Theo báo cáo của cơ quan theo dõi tình hình thủy văn, nước lũ trên sông Đáy qua tỉnh Hà Nam và nước sông Bùi, sông Tích ở Hà Nội đã lên cao (do ảnh hưởng của mưa và tác động của xả lũ từ thủy điện).
Đài Khí tượng - thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc bộ cho biết, ngày 29-7, mực nước các sông Bùi, sông Tích đoạn chảy qua các huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thạch Thất, Quốc Oai có lúc vượt báo động lũ cấp 3.
Vì vậy, đến chiều 29-7, khu vực xóm Bến Vôi ở xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) và nhiều khu vực ven sông Tích, một số thôn ở các xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến ở huyện Chương Mỹ (nằm ven sông Bùi) vẫn chìm trong ngập lụt (1 tuần nay), người dân ở đây phải đi lại bằng thuyền, có chỗ ngập hơn 1m, lội ngang bụng…
Chiều 29-7, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đã đi kiểm công tác chống ngập úng tại rốn lũ sông Bùi ở xã Tân Tiến và một số điểm ngập ở huyện Chương Mỹ.
Theo báo cáo của ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, nước lũ sông Bùi đã tràn qua đê, lực lượng chức năng đã tập trung di dời các hộ dân ra khỏi vùng ngập lụt. Đến chiều 29-7 còn hơn 700 hộ gia đình vẫn ở các vùng ngập lụt.
Chỉ đạo tại hiện trường vùng lụt, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài yêu cầu di dời hơn 700 hộ dân ra khỏi vùng ngập lụt để đảm bảo an toàn. Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu lực lượng chức năng khẩn cấp bảo đảm an toàn cho tuyến đê sông Bùi, huyện Chương Mỹ phải cử cán bộ ngày đêm theo dõi tuyến đê này.
Tại hiện trường, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, Hà Nội đã có văn bản đề nghị Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đóng 1 cửa xả, đồng thời đề nghị tỉnh Hà Nam điều tiết nước sông Đáy để giảm áp lực cho đê sông Bùi.
Thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết, sáng 29-7, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã ban hành công điện, lệnh cho Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La đóng 1 cửa xả đáy của hồ thủy điện Sơn La từ 11 giờ và lệnh cho Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình đóng bớt 1 cửa xả đáy của hồ thủy điện Hòa Bình từ 13 giờ, cùng ngày 29-7. Theo đó, đến chiều 29-7, hồ thủy điện Sơn La không còn xả lũ, hồ thủy điện Hòa Bình chỉ còn duy trì 2 cửa xả lũ.
Cuối chiều 29-7, trước tình hình mưa gió đang tái xuất ở nhiều địa phương phía Bắc (dự báo kéo dài đến chiều 31-7 với nhiều trận mưa), khu vực Thanh Hóa - Nghệ An, khu vực Nam bộ và Tây Nguyên, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã có công văn đề nghị UBND của 21 tỉnh, thành phố có đê từ cấp 3 đến cấp đặc biệt (Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đồng Tháp, Long An, An Giang) đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, ứng phó với tình hình mưa lũ.
Công văn đề nghị 21 địa phương triển khai 3 nội dung sau:
- Khẩn trương kiểm tra, rà soát các tuyến đê trên địa bàn, xác định các vị trí có nguy cơ xảy ra sự cố và triển khai phương án bảo vệ, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời hộ đê, xử lý các sự cố xảy ra ngay từ giờ đầu.
- Tổ chức, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều theo quy định của Luật Đê điều và hướng dẫn của Bộ NN-PTNT.
- Xác định các vị trí đê đã xảy ra sự cố là trọng điểm xung yếu năm 2024, khẩn trương xây dựng, phê duyệt và triển khai trên thực tế phương án bảo vệ trọng điểm; tổ chức khảo sát, đánh giá, xác định cụ thể nguyên nhân, giải pháp xử lý phù hợp, huy động mọi nguồn lực để xử lý khẩn cấp, đảm bảo ổn định lâu dài cho các tuyến đê.