Thủy điện Đăk Mi 1: Thi công trở lại một số hạng mục sau sự cố tai nạn lao động

Sau 3 tháng dừng thi công, Thủy điện Đăk Mi 1 được cơ quan chức năng thống nhất xem xét cho phép thi công trở lại một số hạng mục không bị sự cố nhưng phải đảm bảo các biện pháp an toàn.

fb114a6a5919ea47b308.jpg
Thủy điện Đăk Mil 1, nơi xảy ra sự cố tai nạn lao động làm 5 công nhân tử vong

Ngày 10-4, nguồn tin cho biết, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đã có văn bản phản hồi đề nghị của UBND tỉnh Kon Tum về việc thi công trở lại một số hạng mục thuộc Dự án Thủy điện Đăk Mi 1.

Trước đó, UBND tỉnh Kon Tum có văn bản gửi Bộ Xây dựng, trong đó đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, cho phép được tiếp tục thi công các hạng mục không bị sự cố của công trình Thủy điện Đăk Mi 1.

Theo Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, sau khi lấy ý kiến của các chuyên gia tổ điều tra sự cố và ý kiến của tư vấn kiểm định, Bộ Xây dựng thống nhất việc xem xét cho phép tiếp tục thi công trở lại các hạng mục công trình không bị sự cố thuộc công trình Thủy điện Đăk Mi 1 và UBND tỉnh Kon Tum quyết định việc này theo thẩm quyền.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan này đề nghị UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo, yêu cầu chủ đầu tư và các nhà thầu liên quan trước khi thi công trở lại phải tổ chức rà soát, khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế về chất lượng, công tác quản lý chất lượng và an toàn trong thi công xây dựng công trình, đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

5bae36d825ab96f5cfba.jpg
Hiện trường xảy ra vụ tai nạn lao động làm 5 công nhân nhà máy thủy điện tử vong

Trong đó, đặc biệt lưu ý, đối với hạng mục nhà máy thủy điện, cần kiểm soát chặt chẽ biện pháp thi công lắp đặt giàn giáo, cốp pha thi công tại các khu vực có chiều cao lớn, phải có thiết kế tính toán, thử tải, nghiệm thu công tác an toàn trước khi thi công xây dựng.

Đối với hạng mục hầm dẫn nước, cần kiểm tra toàn diện công tác an toàn, thực hiện triệt để công tác thông gió, chiếu sáng.

Đối với hạng mục tháp điều áp, cần rà soát lại công tác thiết kế, bổ sung giải pháp xử lý khắc phục tình trạng sạt trượt, mất an toàn khu vực mái đào.

Đối với hạng mục đường giao thông tránh ngập lòng hồ, cần có biện pháp tổ chức thi công hợp lý, tránh thi công đổ thải trực tiếp ra ta luy âm gây ảnh hưởng tới môi trường và nguy cơ sạt trượt, mất an toàn công trình.

Đối với hạng mục đập dâng, đập tràn đã xảy ra sự cố, đề nghị UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo chủ đầu tư và các bên liên quan tổ chức bảo vệ hiện trường, phối hợp, tạo điều kiện cho tổ điều tra sự cố và tư vấn kiểm định thực hiện công tác giám định nguyên nhân sự cố đảm bảo tiến độ, yêu cầu.

Như Báo SGGP đã phản ánh, Thủy điện Đăk Mi 1 được khởi công từ năm 2009, có công suất 84 MW, do Công ty Cổ phần Quang Đức Kon Tum làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng. Nhà máy mới thi công hoàn thành khoảng 70% khối lượng. Khoảng 3 giờ ngày 31-12-2024, trong quá trình thi công đập ngăn dòng Thủy điện Đăk Mi 1 đã xảy ra vụ sập giàn giáo, làm 5 công nhân tử vong.

Tin cùng chuyên mục