Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Thủy điện Đắk Kar (chủ đầu tư nhà máy thủy điện Đắk Kar), ngày 6-8, mực nước hồ ở ngưỡng trình 467m. Đến 11 giờ, ngày 7-8, mực nước hồ là 496,5m. Thủy điện đã tiến hành xả tràn để đón lũ với lưu lượng nhỏ. Tuy nhiên, sau đó lượng nước đổ về nhiều mang theo nhiều cây củi nên cửa van bị kẹt không thể mở được cửa xả tràn.
Cũng theo chủ đầu tư, do lượng mưa kéo dài đến sáng ngày 8-8 thì xảy ra sự cố sạt lở đất đồi cách chân hạ lưu đập khoảng 50m làm đường ống dẫn nước (ông thép, đường kính 2,32m) về nhà máy bị vỡ một đoạn 70m, khiến nước hồ chảy qua đường ống cũng gây sạt lở một ít ở khu vực hạ lưu đập dâng. Đến 13 giờ cùng ngày, mực nước bắt đầu giảm. Cho đến 12 giờ, ngày 9-8, mực nước đã giảm về cao trình 476,63m và đang tiếp tục giảm.
Tại hiện trường, ông Nguyễn Văn Tỉnh đã chỉ đạo khẩn trương khắc phục sự cố kẹt van xả lũ để điều tiết nước, đảm bảo an toàn hồ đập và người dân. Bên cạnh đó, phải có phương án để làm giảm lưu lượng nước trong hồ, tránh nguy cơ gây vỡ đập. “Mưa có thể đổ xuống bất cứ lúc nào nên không thể lơ là, chủ quan được vì van xả vẫn kẹt. Với lượng nước gần 13 triệu m3 trong lòng hồ, nếu xảy ra sự cố vỡ đập là rất nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, tính mạng của hàng ngàn người dân phía hạ du”, ông Tỉnh nhận định.
Còn ông Lê Viết Thuận, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông, cho biết, chủ đầu tư không chuẩn bị trước phương án xả lũ, cánh xả tràn chưa vận hành thử và hiện tại vẫn chưa vận hành được. “Chủ đầu tư quá chủ quan, thủy điện này mà vỡ thì gây thiệt hại lớn cho hàng ngàn người”, ông Thuận nhấn mạnh.
Ông Chu Văn Quyền, Giám đốc Công ty Cổ phần thủy điện Đắk Kar cho biết, hiện đơn vị đang huy động nhân lực và thiết bị chống lũ như dùng phương án nâng cửa đập sử dụng bằng pa - lăng tay và tời nâng điện tử kết hợp xe nâng để kéo cửa xả lên. Ngoài ra, đơn vị cũng đã dùng bao cát để gia cố bổ sung bờ đập các vị trí xung yếu; chuẩn bị các vật dụng cụ hỗ trợ như máy đào, máy phát dự phòng, khống chế không cho nước tràn qua mặt đập. Trong trường hợp nguy cơ vỡ đập, cơ quan chức năng đã khoan lỗ sẵn ở vai đập để khi nước về thì nổ mìn tạo dòng chảy xả lũ điều tiết, không xả đột ngột xuống hạ du.
Nhằm phòng ngừa sự cố vỡ đập thủy điện Đắk Kar, trong 2 ngày qua lực lượng chức năng 2 tỉnh Bình Phước và Đắk Nông đã di dời hàng ngàn người dân ở vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng. Theo đó, tỉnh Bình Phước đã di dời khoảng 5.000 người dân ở 4 xã gồm: Đồng Nai, Phước Sơn, Thống Nhất và Đăng Hà của huyện Bù Đăng. Tại Đắk Nông lực lượng chức năng cũng kêu gọi, di dời 200 hộ dân với gần 500 người về nơi an toàn.
Theo ghi nhận của phóng viên tại hiện trường, thủy điện Đắk Kar nằm giữa 2 huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) và Đắk R’lấp (tỉnh Đắk Nông). Công trình thủy điện Đắk Kar vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, chưa vận hành. Thân đập được xây dựng chủ yếu bằng đất. Trên đập thủy điện thiết kế 2 cửa xả tràn, tuy nhiên cả 2 cửa này đều bị kẹt. Đường ống dẫn nước về nhà máy thủy điện để vận hành bên mạn phải của thủy điện bị vỡ 70m nhờ đó nước trong hồ đã thoát ra lại. Đến tối 9-8, mực nước trong hồ giảm khoảng 3m so với thân đập.