Ngày 3-6 tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp rà soát công tác chuẩn bị vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng năm 2022.
Tại cuộc họp này, ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết hiện nguồn nước trên các hệ thống sông ở miền Bắc đang về rất tốt nên công suất của phần lớn các hồ thủy điện đang được chạy tối đa, nhất là các nhà máy thủy điện trên sông Đà, công suất chạy 24/24 giờ.
Theo ông Ngô Sơn Hải, năm nay giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất nhiệt điện như than tăng giá rất cao, dẫn đến giá thành sản xuất điện tăng cao.
"Giá than nhập khẩu đã tăng gấp 5 lần. Nếu điện mà chạy bằng than thì giá thành lên tới 4.000 đồng/kWh, trong khi thủy điện chưa đến 1.000 đồng/kWh" - ông Hải thông tin, đồng thời đề nghị cần có tính toán, chỉ đạo điều hành tích - xả hợp lý để sử dụng hiệu quả nguồn nước trên các hồ thủy điện cũng như đảm bảo an toàn với thiên tai.
Trong khi đó, Bộ Công thương vừa có báo cáo tình hình sản xuất điện tháng 5 và dự báo tháng 6.
Trong tháng 5, điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống ước đạt 23,36 tỷ kWh (bao gồm sản lượng điện mặt trời mái nhà bán vào hệ thống), giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn 1,149 tỷ kWh so với kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2022 được phê duyệt.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện ước đạt 108,758 tỷ kWh (bao gồm sản lượng điện mặt trời mái nhà bán vào hệ thống), tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn 109 triệu kWh so với kế hoạch.
Theo tính toán cập nhật của EVN, điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện 7 tháng còn lại của năm 2022 ước đạt 166,641 tỷ kWh (bao gồm sản lượng điện mặt trời mái nhà bán vào hệ thống).
"Căn cứ thực tế tình hình cung cấp điện trong 5 tháng đầu năm và dự kiến kế hoạch trong các tháng còn lại, Bộ Công thương đánh giá việc cung cấp điện trong năm 2022 cơ bản sẽ được đảm bảo và không xảy ra tình trạng thiếu điện"- cơ quan này nhận định.