Ngày 27-7, với tỷ lệ ủng hộ gần như tuyệt đối, Thượng viện Mỹ đã nhất trí áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga, Iran và Triều Tiên, bất chấp việc Tổng thống Donald Trump phản đối dự luật này, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đe dọa có biện pháp trả đũa. Đây là dự luật về chính sách đối ngoại lớn đầu tiên được Quốc hội Mỹ thông qua dưới thời Tổng thống Trump.
Với số phiếu áp đảo 98-2, Thượng viện Mỹ đã thông qua việc áp đặt các biện pháp trừng phạt 3 nước trên với sự ủng hộ của cả các nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa. Hiện dự luật này sẽ được chuyển đến Nhà Trắng để Tổng thống Trump ký phê chuẩn thành luật. Nếu ông Trump lựa chọn cách phủ quyết, dự luật này dự kiến sẽ thu được đủ sự ủng hộ ở lưỡng viện để vượt qua quyền phủ quyết của tổng thống và được thông qua thành luật.
Trước đó, các nghị sĩ Mỹ đã đạt được thỏa thuận mở đường cho Thượng viện phê chuẩn các lệnh trừng phạt mới đối với Nga và hạn chế khả năng của ông Trump trong việc loại bỏ các biện pháp này. Ngày 26-7, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Corker tuyên bố các nghị sĩ đã nhất trí gửi dự luật trên tới tổng thống để ký phê chuẩn. Theo ông, Thượng viện sẽ thông qua các lệnh trừng phạt Nga và Iran, vốn đã được phê chuẩn từ trung tuần tháng 6 vừa qua, cũng như các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên trong dự luật vừa được Hạ viện bỏ phiếu tán thành với số phiếu áp đảo 419-3.
Theo thông cáo từ Đồi Capitol, các nghị sĩ Mỹ quyết định siết chặt trừng phạt Nga với lý do nước này đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, cũng như hành động của Moskva tại Ukraine và Syria. Trong khi đó, Iran và Triều Tiên bị liệt vào danh sách trừng phạt vì các chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và hỗ trợ khủng bố. Đòn trừng phạt mới đặc biệt nhắm tới các dự án dầu khí của Nga với các công ty ở Mỹ, Đức và một số nước khác. Với dự luật này, Chính phủ Mỹ cần phải nhận được sự chấp thuận của Quốc hội nếu muốn triển khai các bước đi nhằm nới lỏng trừng phạt.
Giới quan sát nhận định dự luật mới sẽ làm chệch hướng hơn nữa quan hệ Mỹ-Nga vốn đã xấu đi dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Tổng thống Trump hy vọng quan hệ hai nước sẽ được cải thiện dưới chính quyền của ông nhưng ý định này bị phủ bóng đen bởi cuộc điều tra nghi vấn Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ 2016 nhằm tạo lợi thế cho ông. Mặc dầu vậy, ông Trump đã phủ nhận bất kỳ sự thông đồng nào giữa ban vận động tranh cử của ông với Moskva, trong khi Nga cũng bác bỏ mọi cáo buộc liên quan.
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật ngân sách mới trị giá 788 tỷ USD
Ngày 27-7, Hạ viện Mỹ đã thông qua khoản ngân sách trị giá 788 tỷ USD trong đó bao gồm cả điều khoản cấp 1,6 tỷ USD để chính quyền của Tổng thống Donald Trump xây bức tường gây tranh cãi dọc biên giới phía Nam giáp Mexico.
Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật ngân sách dài 326 trang nói trên với 235 phiếu thuận và 192 phiếu chống.
Đây được coi là một thắng lợi chính trị quan trọng của Tổng thống Trump và các nhà lập pháp Cộng hòa tại Hạ viện.
Dự luật ngân sách mới cũng tăng 2,4% chi tiêu dành cho quân đội và tăng 5% kinh phí cấp cho các chương trình cựu chiến binh.
Phát biểu với báo giới, Hạ nghị sỹ Steven Palazzo cho biết “Tổng thống Trump, người dân Mỹ cần khoản ngân sách này và Hạ viện Mỹ đã hiện thực hóa điều đó”.
Dự kiến, dự luật ngân sách mới sẽ gặp trở ngại tại Thượng viện Mỹ, nơi tiếng nói phản đối của phe Dân chủ lớn hơn so với Hạ viện.