Thượng viện Mỹ muốn đẩy lùi cuộc chiến thương mại

Thượng viện Mỹ vừa thông qua một giải pháp thương mại không ràng buộc giúp Quốc hội Mỹ tái khẳng định quyền hạn của mình về thuế quan trong bối cảnh có nhiều lo ngại về chiến lược thuế quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump. 

 

Nhân viên giao dịch theo dõi chỉ số chứng khoán tại Sàn giao dịch chứng khoán New York (Mỹ)
Nhân viên giao dịch theo dõi chỉ số chứng khoán tại Sàn giao dịch chứng khoán New York (Mỹ)
Khốc liệt hơn cuộc chiến quân sự 

 Giải pháp trên được thông qua với tỷ lệ 80-11, giúp Quốc hội có vai trò lớn hơn về thuế quan được áp dụng vì những lý do an ninh quốc gia, được gọi là Mục 232 của Luật Thương mại. Tỷ lệ phiếu ủng hộ áp đảo cho thấy mối quan tâm sâu sắc của Quốc hội đối với chính sách thuế quan mà Tổng thống Donald Trump thực hiện trong mấy tháng gần đây đối với Trung Quốc, cũng như các đối tác thương mại khác là Canada, Mexico và các nước châu Âu. Thượng nghị sĩ Bob Corker, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện, gọi đây là một “một bước đi nhỏ”  giúp Quốc hội khẳng định lại quyền hợp pháp của mình về các vấn đề thương mại. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Pat Toomey bày tỏ hy vọng cuối cùng Quốc hội sẽ xem xét sự lạm dụng một phần Luật Thương mại của chính quyền Tổng thống Donald Trump khi áp thuế không thích hợp đối với thép và nhôm nhập khẩu từ các nước đồng minh và đối tác của Mỹ. 

Việc tiến hành bỏ phiếu diễn ra ngay sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump thông báo sẽ áp dụng mức thuế 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc vào cuối tháng 8 tới. Mặc dù  không thể giải quyết các mức thuế cụ thể, nhưng hành động này cho thấy Thượng viện Mỹ đang mong muốn đẩy lùi một cuộc chiến thương mại nổ ra trong thời gian tới, sau hàng loạt động thái “ăn miếng trả miếng” giữa Mỹ và nhiều quốc gia đối tác thương mại hàng đầu. 

Giới phân tích cho rằng, với việc kiên quyết đưa ra một gói thuế nhập khẩu mới nhằm vào hàng ngàn sản phẩm hàng hóa từ Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra sẵn sàng theo đuổi các chính sách cứng rắn với bất kỳ giá nào. Điều đáng nói là chiến lược thuế quan của ông vẫn đang có xu hướng tiếp tục mở rộng cả về phạm vi đối tượng và quy mô lĩnh vực chịu tác động. Khi đó, chiến tranh thương mại có thể khốc liệt hơn nhiều so với một cuộc chiến quân sự. 

Tác động thị trường dầu mỏ 

Lo ngại về tác động tiêu cực của một cuộc chiến thương mại toàn cầu đã lan sang thị trường dầu mỏ. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cảnh báo  cuộc chiến thương mại toàn cầu khiến thị trường dầu mỏ sẽ rơi vào thế khó khi làm giảm nhu cầu đối với dầu thô. Trong bản báo cáo hàng tháng, OPEC nêu rõ hoạt động thương mại sôi nổi trên thế giới trong năm 2017 và 2018 đã giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kéo theo cả nhu cầu với dầu thô. OPEC dự báo xu hướng trên sẽ đi xuống khi căng thẳng thương mại leo thang do Mỹ và Trung Quốc công bố các biện pháp đáp trả lẫn nhau. Theo tổ chức này, sự xuất hiện của hàng rào thương mại hiện mới chỉ tác động nhỏ đến kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, nếu căng thẳng leo thang hơn nữa, kết hợp với các điều kiện không chắc chắn khác, quan điểm của doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến đầu tư, dòng vốn và chi tiêu, cuối cùng là thị trường dầu mỏ toàn cầu. Chịu tác động ngay lập tức sau quyết định của Tổng thống Donald Trump là thị trường chứng khoán toàn cầu. Chỉ số chứng khoán tại Mỹ, châu Á, châu Âu đồng loạt sụt giảm  trong 2 ngày giao dịch 11 và 12-7.

Giới phân tích đã cảnh báo một cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể hủy hoại nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, cho tới lúc này, khi nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng ở mức 4% trong quý 2 và tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp nhất cùng với lợi nhuận doanh nghiệp tăng nhờ các biện pháp cắt giảm thuế của chính phủ, Tổng thống Donald Trump dường như sẵn sàng bỏ ngoài tai mọi lo ngại kể trên.

Tin cùng chuyên mục