Đằng sau nỗi đau thương, mất mát trong cơn lũ dữ mà người dân gánh chịu là những hoàn cảnh, phận đời khốn khó. Họ đã phải chịu đựng 2 đợt dịch Covid-19, cơn bão số 5 và giờ đây là những trận lũ lịch sử. Với người dân miền Trung, lũ lụt là một phần của cuộc sống bao đời nay, song việc hứng 4 cơn lũ liên tục dồn dập, lũ chồng lũ như năm nay thì quả thật quá sức chịu đựng.
“Hướng về miền Trung”, “Tất cả vì miền Trung ruột thịt”, “Miền Trung ơi cố lên”... là những lời kêu gọi, động viên như lay động trái tim mỗi người. Thực tế cho thấy, nhiều người đã gác lại những niềm vui, những đóa hồng trong ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10 để nghĩ đến những việc làm thiết thực hơn, để ủng hộ đồng bào. Nhiều cơ quan, ban ngành chỉ tổ chức gọn nhẹ phần lễ kỷ niệm và cùng dặn dò nhau không đăng hình ảnh hoạt động lên mạng xã hội, xem như đó cũng là một cách chia sẻ nỗi đau với người khác. Bởi vui sao đành khi đồng bào mình đang kêu cứu. Vui sao đành khi đồng bào mình đang đói khổ, oằn mình chống chọi với lũ dữ.
Trên mạng xã hội, những lời kêu gọi ủng hộ khắp nơi từ các bạn trẻ, doanh nghiệp cho đến những người nổi tiếng. Người có tiền góp tiền, người có xe tải thì chở hàng miễn phí, ca sĩ tổ chức đêm nhạc từ thiện, họa sĩ mang tranh đấu giá, người làm sách mang sách quý đấu giá, người có nhà hàng thì mua thịt mua mắm gọi người đến làm hàng ngàn hộp thức ăn khô chuyển đi cứu trợ bà con vùng lũ.
Có nơi, bà con chung sức gói hàng ngàn bánh tét, bánh chưng, người có sức góp sức, ai có công giúp công, ai có củi, lá, nếp, nồi thì cứ góp vào. Ngoài đường, những chuyến xe chở đầy ắp quà, lương thực, nhu yếu phẩm... với băng rôn treo ở đầu xe “Đoàn cứu trợ lũ lụt đồng bào miền Trung”.
Những phần quà nhỏ gói ghém đầy ắp những tình cảm, tấm lòng yêu thương, sẻ chia của người dân cả nước cùng hướng về bà con vùng lũ miền Trung, cũng là những gì để cảm nhận rõ hơn tình tương thân tương ái, nghĩa đồng bào và sự yêu thương, đoàn kết.