Thượng tướng Trần Quốc Tỏ giải trình về dự án luật quản lý, sử dụng vũ khí

Ngày 3-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Thứ trưởng điều hành Bộ Công an Trần Quốc Tỏ cho biết, sẽ lựa chọn tối đa và nghiêm túc tiếp thu những ý kiến hợp lý. 

Giải trình trước Quốc hội, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an điều hành hoạt động của Bộ Công an cho biết, ngay trong quá trình xây dựng, chỉnh lý hoàn thiện văn bản dự thảo luật cũng đã được Chính phủ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu, khảo sát thực tiễn.

e129098b4e71ee2fb760.jpg
Từ trái sang: Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên họp Quốc hội sáng 3-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Cùng với đó là tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đánh giá về tác động đa chiều kỹ lưỡng... tạo cơ sở cho việc đề xuất nội dung, quy định trong dự thảo luật đảm bảo tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Trước nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐB) trong phiên thảo luận ở hội trường, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết đã lắng nghe, cảm ơn và đánh giá các ý kiến của ĐB rất tâm huyết, trách nhiệm.

d8fc8889760cd6528f1d.jpg

“Chúng tôi sẽ lựa chọn tối đa và nghiêm túc tiếp thu đối với những ý kiến hợp lý”, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ nói và cho biết, cơ quan soạn thảo khẩn trương tham mưu Chính phủ chỉ đạo sớm hoàn chỉnh văn bản dự thảo luật lần cuối được chặt chẽ, chất lượng hơn và đảm bảo tính khả thi hơn trước khi trình Quốc hội thông qua.

Trước đó, khi thảo luận ở hội trường, nhiều ĐB tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Việc ban hành luật này nhằm tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ hiện nay. Bên cạnh đó, khắc phục những bất cập, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thi hành, áp dụng luật thời gian qua.

b438d97727f287acdee3.jpg
Thượng tướng Trần Quốc Tỏ giải trình trước Quốc hội vào cuối phiên làm việc buổi sáng. Ảnh: QUANG PHÚC

Thảo luận về quy định bổ sung dao có tính sát thương cao vào danh mục vũ khí thô sơ, ĐB Nguyễn Việt Hà (Tuyên Quang) chỉ rõ, thực tế hiện nay, hiện tượng thanh niên tự hoán cải, tự chế thêm vào các loại dao để sử dụng làm công cụ phạm tội. Song hiện nay không xử lý được các đối tượng này về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì trong luật hiện hành không quy định dao là vũ khí.

Tuy nhiên, ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, dao là công cụ dễ thấy xuất hiện thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày và vật dụng này rất dễ biến thành hung khí để gây án. Mặc dù vậy, nếu quy định dao là một loại vũ khí và xử lý đối tượng sở hữu dao theo hướng tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí thì có thể phát sinh nhiều bất cập và nảy sinh vấn đề mâu thuẫn giữa đời sống xã hội và pháp luật.

86bcea3c71c4d19a88d5.jpg
ĐBQH dự phiên thảo luận tại hội trường sáng 3-6. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Bình cũng chỉ ra, nếu liệt kê dao vào loại vũ khí thô sơ thì những hoạt động sinh hoạt thường ngày của người dân ít nhiều cũng sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, để bảo đảm tính ổn định xã hội, ĐB đề nghị cần tổ chức khảo sát, lấy ý kiến sâu hơn nữa của các tầng lớp nhân dân, từ đó đưa ra các quy định cụ thể và phù hợp thực tiễn cuộc sống.

Quan tâm ý kiến này, ĐB Nguyễn Thanh Sang (TPHCM) cho biết, ông đồng tình quy định dao có tính sát thương cao được quy định là vũ khí thô sơ. Tuy nhiên, đối với quy định khai báo dao có tính sát thương cao, ĐB cho rằng, từ thành thị đến nông thôn, nhà nào cũng có dao được xếp vào vũ khí thô sơ. Cho nên, đây là một vấn đề đặt ra có bắt buộc khai báo hay không.

0c4442fbbe011e5f4710.jpg
ĐB Nguyễn Thanh Sang. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Trần Khánh Thu (Thái Bình) đề nghị Bộ Công an có thông tư quy định cụ thể trường hợp dao có tính sát thương cao được sử dụng vào mục đích lao động, sản xuất sinh hoạt. Theo ĐB, việc này nhằm tránh xử lý oan sai với các trường hợp sử dụng dao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt tại gia đình.

Đồng thời, phân định cụ thể các loại dao được xếp vào nhóm vũ khí thô sơ dựa trên tiêu chí sắc bén, kích thước sát thương cao thuộc danh mục do Bộ Công an ban hành. Cùng với đó, quy định rõ những hành vi vi phạm.

Theo báo cáo dự kiến hướng tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), dao là phương tiện lưỡng dụng được người dân sử dụng phổ biến trong lao động, sản xuất, sinh hoạt và có rất nhiều loại khác nhau.

Do đó, dự án luật chỉ điều chỉnh đối với các loại dao có tính sát thương cao nhằm phục vụ hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm. Đồng thời không làm ảnh hưởng, tác động đến đời sống người dân. Trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không phải khai báo.

Tin cùng chuyên mục