Chiều nay, 29-5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Trước đó, ngày 22-5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch đã trình Quốc hội về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam.
Qua 19 năm thực hiện Pháp lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trên biển. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cho rằng, hiện nay, tình hình vùng biển diễn biến ngày một khó lường, các tình huống liên quan tới quốc phòng - an ninh trên biển liên tiếp xảy ra. Vì vậy, nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam ngày một nặng nề hơn, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có Luật để tạo hành lang pháp lý đủ mạnh cho tổ chức hoạt động, phù hợp với hội nhập quốc tế.
Dự thảo Luật được xây dựng nhằm hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ biển đảo; xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, là lực lượng chủ trì thực thi pháp luật trên biển, đồng thời phát huy được sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia. Luật làm rõ hơn về vị trí nòng cốt, chủ trì thực thi pháp luật trên biển; khẳng định rõ hơn về chức năng bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển.
SGGP đã trao đổi với Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam về dự án Luật này.
*Thưa Thượng tướng, Luật cảnh sát biển được cho là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh hiện nay?
* Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa: Sự ra đời của Luật cảnh sát biển là yêu cầu rất cấp thiết trong tình hình hiện nay. Vì vậy, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đều muốn có một lực lượng cảnh sát biển mạnh để thực thi nhiệm vụ trên biển, tạo điều kiện cho nhân dân ta có cuộc sống thanh bình, yên ổn làm ăn và phát triển kinh tế cũng như quốc phòng an ninh trên biển.
Luật cảnh sát biển được ban hành sẽ làm rõ thêm về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam, tổ chức bộ máy của Cảnh sát biển Việt Nam, trách nhiệm của ban bộ ngành cũng như của nhân dân đối với việc xây dựng lực lượng cảnh sát biển để góp phần thực thi nhiệm vụ trên biển của chúng ta.
Chức năng chủ yếu của Cảnh sát biển Việt Nam sẽ được luật hóa ra sao?
Chức năng chủ yếu của Cảnh sát biển Việt Nam đã được xác định trong luật lần này, đó là lực lượng nòng cốt thực thi pháp luật để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển của chúng ta. Bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ trật tự, an toàn trên biển, bảo vệ môi trường tài nguyên của chúng ta; đấu tranh, phòng chống các tội phạm trên biển mà hiện nay đang rất phức tạp. Và chức năng cao cả nhất đó là cảnh sát biển bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc chúng ta, khẳng định Việt Nam là một quốc gia ven biển, một quốc gia có trách nhiệm để thực thi công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Đó là những chức năng chủ yếu của cảnh sát biển. Tất nhiên, khi có tình huống yêu cầu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển đảo thì lực lượng cảnh sát biển phối hợp với các lực lượng khác trong thế trận quốc phòng toàn dân để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Những quốc gia trong khu vực ngay cả Trung Quốc, Philippines thì toàn bộ lực lượng trên biển đã dồn lại cho cảnh sát biển. Còn ta hiện nay đang có tới 4-5 lực lượng trên biển. Quan điểm của Thượng tướng ra sao?
Hiện nay lực lượng cảnh sát biển là một xu hướng chung của thế giới, hầu hết quốc gia nào có biển thì đều cho thành lập lực lượng cảnh sát biển cũng như có bộ luật về cảnh sát biển. Các quốc gia, kể cả những nước lớn cũng như các nước trong khu vực đều ngày càng quan tâm, xây dựng lực lượng cảnh sát biển chính quy, tính chất thực thi pháp luật ngày một cao hơn. Kể cả một số vấn đề nhạy cảm trong vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo thì vai trò cảnh sát biển đều hết sức quan trọng.
Việt Nam hướng tới phát triển lực lượng cảnh sát biển ngày càng mạnh, là lực lượng đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự chỉ huy, quản lý điều hành thống nhất của Chính phủ, trong đó Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là người chỉ huy lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Dù vậy, hiện nay trên biển chúng ta thường sử dụng nhiều các giải pháp dân sự: pháp lý, ngoại giao, chính trị, bảo vệ thực địa, kể cả giải pháp lịch sử để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Khi lực lượng cảnh sát biển thực hiện nhiệm vụ này thì chúng ta chứng tỏ với thế giới rằng Việt Nam mong muốn hòa bình, hữu nghị, giải quyết các tranh chấp bằng các giải pháp hòa bình, dân sự.
Bảo vệ Tổ quốc, nhất là chủ quyền trên biển đảo và phát triển kinh tế biển là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, đòi hỏi có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung của Đảng, Nhà nước và sự đồng thuận rất cao của nhân dân.