Ngày 24-4, Thường trực HĐND TPHCM tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri nữ công nhân, viên chức, lao động năm 2022 với chủ đề “Chính sách an sinh xã hội - nhà ở cho công nhân, viên chức, người lao động”.
Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM; Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM; Nguyễn Trần Phượng Trân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM.
Tham dự hội nghị còn có các đồng chí: Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM; Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM.
Ngoài ra, hội nghị còn có sự tham dự trực tiếp của 100 cử tri nữ công nhân, viên chức, lao động đại diện cho các lĩnh vực, ngành nghề trên địa bàn thành phố tại điểm cầu chính và hơn 400 cử tri tham dự trực tuyến tại 4 điểm cầu.
Phát biểu mở đầu buổi tiếp xúc, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Văn Dũng cho biết, buổi tiếp xúc cử tri là để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, hiến kế của cử tri nữ công nhân, viên chức, lao động nhằm đóng góp cho việc xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội - nhà ở cho công nhân, viên chức, người lao động; bảo đảm phúc lợi xã hội, chăm lo đời sống cho người lao động, góp phần thúc đẩy sự phục hồi và phát triển bền vững của thành phố.
Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Văn Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG
Theo Phó Chủ tịch HĐND TPHCM, nữ công nhân, viên chức, lao động là lực lượng lao động then chốt đóng góp trực tiếp vào sự phục hồi và phát triển kinh tế của thành phố. Sự phục hồi mạnh mẽ và phát triển bền vững của thành phố chỉ có thể đạt được khi lực lượng công nhân, viên chức, người lao động được quan tâm chăm lo, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội và ổn định cuộc sống.
Từ đó, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Văn Dũng mong muốn cử tri nữ công nhân, viên chức, lao động phát biểu các ý kiến, trao đổi trên tinh thần xây dựng, thẳng thắn nhằm đóng góp, hiến kế xây dựng thành phố phát triển. Các nội dung trao đổi liên quan đến chủ đề của chương trình “Chính sách an sinh xã hội – nhà ở cho công nhân, viên chức, người lao động”, trong đó, liên quan đến chính sách nhà ở, chính sách an sinh xã hội…
Theo đồng chí Nguyễn Văn Dũng, TPHCM là đô thị lớn nhất cả nước, cả về diện tích, dân số và quy mô kinh tế. Hơn một thập kỷ qua (giai đoạn 2010 - 2020), dân số toàn thành phố tăng thêm gần 2 triệu dân, diện tích nhà ở bình quân đầu người tăng từ 16,6 m2/người (cuối năm 2009) lên 20,63 m2/người vào cuối năm 2020.
Với chủ trương phát triển nhà ở xã hội, sau 15 năm, thành phố đã đưa vào sử dụng 31 dự án nhà ở xã hội với 1,55 triệu m2 sàn, tương ứng 18.800 căn hộ. Trong đó, giai đoạn từ năm 2016 – 2020 là giai đoạn nhà ở xã hội phát triển mạnh mẽ, đã có 19 dự án nhà ở xã hội hoàn thành và đưa vào sử dụng, cung ứng cho thị trường 1,19 triệu m2 sàn, tương ứng 14.900 căn hộ. Các dự án chung cư nhà ở xã hội ra đời đã giải quyết một phần nhu cầu nhà ở của một bộ phận người thu nhập thấp và cán bộ công chức, viên chức có khó khăn về nhà ở trên địa bàn thành phố.
Song song với việc phát triển các dự án nhà ở, thành phố đã triển khai các chính sách hỗ trợ tài chính cho người có thu nhập thấp vay tạo lập nhà ở. Từ năm 2005 đến nay, Quỹ Phát triển nhà ở TPHCM đã hỗ trợ cho hơn 5.550 đối tượng có thu nhập thấp là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang hưởng lương từ ngân sách thành phố được vay tiền để tạo lập nhà ở riêng lẻ hoặc nhà ở xã hội với tổng số tiền trên 2.802 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2018 - 2021, Ngân hàng Chính sách xã hội TPHCM đã cho vay hơn 146,22 tỷ đồng cho 307 đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, bao gồm: người có công với cách mạng; người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo; người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; lực lượng vũ trang, cán bộ, công chức, viên chức.
Cùng với việc phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp, thành phố đã thu hút nhiều lao động đến làm việc, đặc biệt là lao động ngoài tỉnh. Với nỗ lực chăm lo đời sống công nhân trong khu chế xuất, khu công nghiệp, hệ thống hạ tầng xã hội trong khu chế xuất, khu công nghiệp đã từng bước được đầu tư.
Trong đó, TPHCM đã xây dựng 16 dự án nhà lưu trú công nhân đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với khoảng 21.400 chỗ ở cho công nhân lao động tại 11/17 khu chế xuất, khu công nghiệp, chiếm tỷ lệ 64,7%.
Bên cạnh đó, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tại các địa phương như nhà văn hóa, nhà thiếu nhi, trung tâm văn hóa – thể dục thể thao đã được xây dựng, sửa chữa, nâng cấp phục vụ hiệu quả đối với công chức, viên chức, người lao động.
Cử tri Hà Thị Trang phát biểu tại hội nghị. Ảnh:VIỆT DŨNG
Hiện nay, TPHCM có 1 khu công nghệ cao với 88 doanh nghiệp hoạt động, 3 khu chế xuất và 14 khu công nghiệp với hơn 1.400 doanh nghiệp hoạt động và trên 300.000 lao động (trong đó 70% là lao động ngoài tỉnh), tỷ lệ lao động nữ chiếm 57%.
TPHCM có khoảng 280.000 doanh nghiệp và 460.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể đang hoạt động, sử dụng hơn 4,7 triệu lao động (gồm 2,4 triệu lao động ở khu vực chính thức và hơn 2,3 triệu lao động tự do ở khu vực phi chính thức), tỷ lệ lao động nữ chiếm tỷ lệ 45% .
Nhằm nắm bắt nhu cầu nhà ở của cử tri nữ công nhân, viên chức, lao động thành phố, Ban Đô thị HĐND TPHCM phối hợp Liên đoàn Lao động TPHCM, Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM tổ chức phiếu khảo sát trực tuyến về nhu cầu nhà ở từ ngày 12-4-2022 đến 17-4-2022, với gần 41.000 cử tri nữ công nhân, viên chức, lao động tham gia khảo sát. Kết quả khảo sát cho thấy, về tình trạng nhà ở có đến 41% người tham gia khảo sát cho biết hiện đang ở nhà thuê; 36% ở chung với gia đình; chỉ có 17% có nhà ở tại thành phố. Về nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội: 64% người tham gia khảo sát có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội; 70% có nhu cầu mua nhà cho từ 3 đến 4 người ở; 81,4% có nhu cầu mua nhà với diện tích từ 50 m2 đến 70m2. Về mức thu nhập phổ biến nhất người tham gia khảo sát là từ 5 đến 10 triệu đồng (chiếm tỷ lệ 40%). Với khả năng trả nợ: có 76% người tham gia khảo sát trả lời chỉ có thể trả trước dưới 500 triệu đồng khi thực hiện vay vốn để mua nhà; 53% lựa chọn thời hạn vay từ 10 đến dưới 15 năm. Về giá trị nhà: 36% người được khảo sát lựa chọn mua nhà từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng; tiếp đến là 34% lựa chọn mua nhà từ 1 tỷ đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng. Những số liệu thống kê từ cuộc khảo sát vừa qua tuy chỉ khảo sát được một phần nhỏ trong tổng số công nhân, viên chức, người lao động của thành phố (tỷ lệ khảo sát chiếm 2% trên tổng số nữ công nhân, viên chức, lao động TPHCM) nhưng đã phần nào phản ánh được bức tranh về thực trạng và nhu cầu nhà ở của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, người lao động. |