Ngày 16-7, Thường trực HĐND TPHCM và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM bắt đầu giám sát kết quả triển khai một số nội dung chủ đề năm 2020 “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị” trên địa bàn TPHCM.
Tập trung văn hóa ứng xử và văn hóa đọc
Đợt giám sát về nội dung này sẽ thực hiện tại các địa phương, đơn vị: quận 4, 8, 11, Bình Thạnh, huyện Củ Chi, Sở Nội vụ TPHCM, Sở Thông tin – Truyền thông TPHCM, Trung tâm Văn hóa TPHCM; Sở Văn hóa – Thể thao TPHCM và UBND TPHCM. Đợt giám sát dự kiến diễn ra từ ngày 16-7 đến ngày 20-8, nhằm đánh giá công tác và hiệu quả triển khai, thực hiện một số nội dung chủ đề năm 2020 trên địa bàn TPHCM; kịp thời ghi nhận những cách làm, kinh nghiệm hay, mô hình, công trình thực hiện hiệu quả; phát hiện những thiếu sót, hạn chế trong tổ chức thực hiện ở các cấp; đề xuất kiến nghị những giải pháp hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Các nội dung được tập trung giám sát là về văn hóa ứng xử, xây dựng gia đình văn hóa, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa. Cụ thể, về văn hóa ứng xử, đoàn tập trung giám sát việc xây dựng và triển khai Bộ tài liệu tuyên truyền về “Văn hóa ứng xử trong cộng đồng”, nâng cao nhận thức của người dân về giao tiếp – ứng xử gắn với xây dựng TPHCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình; thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TPHCM; việc xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa, doanh nghiệp văn hóa…
Về xây dựng gia đình văn hóa, đoàn giám sát tập trung nội dung triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn TP; tổ chức ngày hội “Gia đình hạnh phúc”, tôn vinh các gia đình tiêu biểu; triển khai Đề án “Xây dựng gia đình hạnh phúc trên địa bàn TPHCM đến năm 2030”.
Trong việc phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, đoàn giám sát tập trung tìm hiểu tình hình khai thác, quản lý và sử dụng cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa thể thao trên địa bàn TPHCM; hoạt động của các Trung tâm văn hóa, nhà văn hóa; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý văn hóa tại cơ sở; các giải pháp đẩy mạnh “Văn hóa đọc” tại cộng đồng gắn với việc phát huy hiệu quả các hoạt động tại thư viện; xây dựng các mô hình không gian văn hóa đọc; nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện, đường sách nhằm đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời…
“Đừng hy vọng 100% hay 95% gia đình văn hóa”
Mở đầu đợt giám sát, sáng 16-7, đoàn đã giám sát tại UBND phường 4 (quận 4) và chiều cùng ngày, giám sát tại UBND quận 4. UBND quận 4 cho biết, thực hiện chủ đề năm, quận đã lấy ý kiến của người dân đóng góp cho dự thảo Bộ tài liệu tuyên truyền về “Văn hóa ứng xử trong cộng đồng”. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nghiêm túc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực. Đến nay, có 89/89 cơ quan, đơn vị đăng ký thực hiện cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; có 30 doanh nghiệp đăng ký xây dựng doanh nghiệp văn hóa…
Trả lời các câu hỏi của đoàn giám sát về các nội dung liên quan đến thực hiện chủ đề năm 2020, bà Đỗ Thị Trúc Mai, Phó Chủ tịch UBND quận 4 cho biết, quận 4 là một trong những quận có tỷ lệ gia đình văn hóa thấp nhất TPHCM. Bà Trúc Mai lý giải, chất lượng là vấn đề quận 4 đòi hỏi, thậm chí có những tiêu chí quận đưa ra còn cao hơn tiêu chí chung. “Chỉ cần 65-70% gia đình văn hóa là tuyệt vời rồi. Chứ đừng hy vọng 100% hay 95% là gia đình văn hóa”, Phó Chủ tịch UBND quận 4 nói.
Theo bà Đỗ Thị Trúc Mai, “việc xây dựng gia đình văn hóa phải đi từng bước, phải chấp nhận con số đầu tiên có thể thấp, để đạt được kết quả tốt hơn. Còn cứ “ừ” với nhau ở tỷ lệ cao như vậy, thì đến lúc nào đó, chúng ta không theo kịp, không xử lý kịp các vấn đề xảy ra trong xã hội”.
Phó Chủ tịch UBND quận 4 chia sẻ, xác định thực hiện năm chủ đề “Năm đẩy mạnh các hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”, nên quận 4 tập trung vào con người và xây dựng các mối quan hệ ứng xử. Quận đổi mới hình thức, đa dạng cách làm. Bà Đỗ Thị Trúc Mai cho hay, trước đây, khi làm chuyên đề về xây dựng gia đình văn hóa, quận thường đọc báo cáo đề dẫn, rồi mỗi ngành, mỗi đơn vị lên đọc báo cáo mỗi ngành làm gì. “Bây giờ không thế. Giờ quận không tập trung đến người làm quản lý nữa, vì cán bộ quản lý đã dự quá nhiều hội nghị rồi, nghe quán triệt nhiều rồi, nên chúng tôi chọn người dân, hướng đến người dân”, bà Đỗ Thị Trúc Mai nói về sự chuyển biến trong đối tượng hướng đến của quận.
Theo đó, UBND quận phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ quận, lắng nghe hội viên phụ nữ nói về vai trò của mình trong gia đình; phối hợp với Đoàn Thanh niên, nghe về kỹ năng, về sự chia sẻ của con trẻ với cha mẹ.
Từ lắng nghe trực tiếp thành viên trong gia đình, quận xác định, xem hạn chế của các gia đình hiện nay là gì? Phó Chủ tịch UBND quận 4 nhận xét, thấy gia đình nào cũng hòa thuận, vui vẻ, nhưng thực tế có rất nhiều vấn đề trong mỗi gia đình. Rất hiếm con cái nói chuyện, tâm sự với cha mẹ. Bao nhiêu gia đình có được bữa cơm ăn chung, hay ai về trước ăn trước, ai về sau ăn sau, hoặc ăn chung nhưng mỗi người “ôm” một cái điện thoại? Bà Đỗ Thị Trúc Mai cho rằng, khi tự các thành viên trong gia đình nói lên suy nghĩ của mình về gia đình, tự họ sẽ thấy được vấn đề của gia đình mình. Những buổi lắng nghe như thế tác động vào suy nghĩ, người nói người nghe đều lắng đọng một chút, hiểu về gia đình hơn và từ đó chuyển đổi hành vi trong mỗi người. Đó là các hoạt động quận 4 đang tập trung.
Phó Chủ tịch UBND quận 4 cũng xác nhận một tin mừng là hiện nay quận 4 đã không còn ngập, sau khi quận thực hiện nâng cấp các con hẻm, triển khai các biện pháp chống ngập, vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch… Riêng về rác thải, trên địa bàn quận 4 còn 100 hộ… không chịu đóng tiền rác hàng tháng. “Các gia đình này nói họ không có rác bỏ. Thực tế, có hộ đêm khuya mang rác đi đổ trộm, quận phải cho người thức đêm canh, bắt quả tang thì một số hộ mới chịu đóng tiền rác. Còn các hộ khác, quận đang tiếp tục tuyên truyền, vận động kết hợp chụp hình, đưa ra tổ dân phố góp ý…”, bà Mai cho hay.