Chiều muộn ngày 12-6, Thường trực Chính phủ họp xem xét cụ thể về vấn đề này.
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng cho biết, Thứ trưởng Lê Đình Thọ (người phụ trách lĩnh vực hàng không) đã có những phát biểu rõ ràng về quan điểm của Bộ GTVT trong vấn đề này.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, phương án sử dụng đất sân golf để cải tạo, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất đã được tính tới khi rà soát, nghiên cứu các phương án điều chỉnh quy hoạch. Trong 7 phương án quy hoạch được tư vấn đề xuất, có 4 phương án đã tính tới việc sử dụng đất sân golf để làm đường cất, hạ cánh thứ 3 và các công trình phụ trợ.
Trước đó, trong các cuộc họp về việc “cấp cứu” sân bay Tân Sơn Nhất do lãnh đạo Chính phủ (Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng) chủ trì, từng phương án cũng được báo cáo cụ thể.
Phương án 1: đề xuất xây dựng mới 1 đường cất hạ cánh phía Bắc (khu vực sân golf) và xây dựng 2 nhà ga mới và các công trình phụ trợ nằm trên khu vực đất sân golf. Đây là phương án đã được tư vấn Nhật Bản nghiên cứu trong quá trình lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án sân bay quốc tế Long Thành, với tổng mức đầu tư hơn 201.000 tỷ đồng, phải giải phóng mặt bằng 616 ha, khả năng ảnh hưởng khoảng 140.000 hộ dân.
Phương án 2, nghiên cứu xây dựng mới đường cất hạ cánh số 3 về phía Bắc và hoàn chỉnh hệ thống đường lăn, sân đỗ, khu dịch vụ kỹ thuật và nhà ga hành khách với 3 kịch bản khác nhau (phương án 2A, 2B, 2C, khác nhau chủ yếu về khoảng cách giữa đường cất hạ cánh số 3 đến đường cất hạ cánh số 2 hiện có tại Tân Sơn Nhất để giảm thiểu diện tích và chi phí giải phóng mặt bằng), có tổng mức đầu tư dao động từ 100.000 -187.000 tỷ đồng, giải phóng từ 25.400-68.000 hộ dân.
Điểm chung của các phương án này - theo lãnh đạo Bộ GTVT - là đều có khối lượng giải phóng mặt bằng lớn, số hộ dân phải giải tỏa nhiều, nên kinh phí triển khai sẽ rất tốn kém, thời gian xây dựng kéo dài và ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Sẽ không thể có chuyện làm đường băng thứ 3 tại Tân Sơn Nhất mà không phải giải tỏa nhà dân.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng phủ nhận phương án đề xuất xây dựng đường băng dài 2.600m tại phần đất của sân golf để khai thác những máy bay cỡ trung, như mô hình sân bay Narita (Nhật Bản) hay sân bay Sydney (Úc) mà một số chuyên gia đưa ra vì theo tính toán, phương án này vẫn phải giải phóng nhà dân và đơn vị quân đội (tương ứng với phương án 2B). Bởi khi làm thêm đường băng 2.600m thì không chỉ đơn thuần là làm mỗi đường băng này mà còn cần thêm chiều dài để bố trí các dải bảo hiểm và các hệ thống đèn tiếp cận. Tính ra, cần tổng cộng chiều dài khoảng 4.000m để xây dựng đường băng 2.600m.
Từ những phân tích này, lãnh đạo Bộ GTVT xác nhận phương án có nhiều ưu điểm nhất là phương án xây dựng đường lăn song song và các đường lăn nối giữa đường cất hạ cánh và sân đỗ; xây dựng đường lăn thoát nhanh và đường lăn song song giữa hai đường cất hạ cánh; cải tạo đường cất hạ cánh phía Bắc hiện nay; xây dựng nhà ga lưỡng dụng T3, công suất 10 triệu hành khách/năm, xây dựng nhà ga hành khách T4, công suất 10 triệu khách/năm ở khu vực phía nam sân bay hiện nay.
Với phương án này, năng lực khai thác tại Tân Sơn Nhất có thể lên đến mức 43-45 triệu hành khách/năm lại có thời gian thực hiện quy hoạch nhanh nhất (2 - 3 năm), kinh phí thấp nhất (ước khoảng 16.000 tỷ đồng) và diện tích đất quốc phòng phải chuyển đổi là ít nhất (12,54ha).
Do đó, người đứng đầu ngành GTVT mong dư luận bình tĩnh chờ đợi một kết luận thấu đáo.