Chiều 22-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho biết, đến thời điểm này, thế giới ghi nhận 2.557.183 trường hợp mắc Covid-19 tại 212 quốc gia, vùng lãnh thổ; ghi nhận 177.641 trường hợp tử vong.
Tại Việt Nam, ghi nhận 268 trường hợp mắc Covid-19. Ghi nhận 222 trường hợp đã khỏi bệnh, chiếm 83% tổng số bệnh nhân; 52 bệnh nhân đang được điều trị tại 9 cơ sở khám, chữa bệnh.
Ổ dịch tại thôn Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội ghi nhận 13 trường hợp mắc Covid-19, không phát sinh ca mới kể từ khi công bố bệnh nhân số 267 ngày 15-4. Liên quan đến trường hợp bệnh nhân số 268 ghi nhận tại Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, đã lấy 358 mẫu xét nghiệm, trong đó 302 mẫu có kết quả âm tính, còn lại đang chờ kết quả.
Ban chỉ đạo nhận định, việc hạn chế tập trung đông người và giãn cách xã hội là biện pháp hiệu quả nhất trong ứng phó với dịch Covid-19 và được nhiều quốc gia thực hiện. Điều đó minh chứng cho sự chỉ đạo đúng đắn kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ qua 2 chỉ thị 15, 16.
Trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg từ 1-4 đến ngày 15-4, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm chỉ ghi nhận 32 trường hợp mắc mới tại cộng đồng trong tổng số 62 ca được phát hiện. Đặc biệt, tính từ 16-4 đến nay Việt Nam không ghi nhận thêm trường hợp mắc mới. So sánh cùng khoảng thời gian trước đó, tổng số trường hợp mắc mới giảm 59,5%, số ca mắc phát hiện tại cộng đồng 46,7%. Các trường hợp mắc mới, đặc biệt tại Hà Nội và TPHCM bắt đầu có xu hướng chững lại từ sau 27-3 và giảm mạnh từ sau ngày 1-4.
Về đề xuất phân loại các địa phương theo nhóm nguy cơ, Ban chỉ đạo quốc gia đã theo dõi sát diễn biến dịch bệnh thời gian qua, tham khảo dự báo, phân tích và đề xuất của các nhà khoa học, nhóm chuyên gia và thống nhất tiêu chí các ca bệnh phát hiện tại cộng đồng là yếu tố quan trọng trong phân loại địa phương theo nhóm nguy cơ.
Cụ thể, nhóm nguy cơ cao là các địa phương còn ca mắc tại cộng đồng trong vòng 14 ngày; nhóm có nguy cơ là các địa phương có ca mắc tại cộng đồng trong khoảng thời gian từ 15 - 28 ngày; nhóm nguy cơ thấp là các địa phương trên 28 ngày không ghi nhận ca mắc tại cộng đồng.
Trên cơ sở ý kiến các địa phương, các chuyên gia tổng hợp phân tích tất cả các biến số tác động vào vấn đề lây nhiễm để từ đó phân tích các yếu tố nguy cơ cho từng tỉnh, Ban chỉ đạo thống nhất đề xuất danh sách các địa phương thuộc các nhóm nguy cơ. Theo đó, Hà Nội thuộc nhóm nguy cơ cao; nhóm nguy cơ gồm: TPHCM, Bắc Ninh, Hà Giang. Nhóm nguy cơ thấp gồm 59 địa phương còn lại.
Kiến nghị đối với nhóm nguy cơ cao tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg thêm 1 tuần nữa (đến hết 30-4). Tuy nhiên, xin Thủ tướng cho phép chủ tịch UBND thành phố quyết định theo thẩm quyền việc mở các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu các loại hình kinh doanh đường phố và theo tình hình thực tiễn tại địa phương nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch.
Đối với nhóm có nguy cơ, Chủ tịch UBND tỉnh thành phố quyết định theo thẩm quyền việc mở các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu các loại hình kinh doanh đường phố và theo tình hình thực tiễn tại địa phương nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch.
Đối với nhóm nguy cơ thấp, các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu được phép hoạt động, phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho người mua hàng. Ngoài ra, với các địa phương có cửa khẩu, khu công nghiệp lớn, có nhiều lao động tự do ở các thành phố lớn… cần hết sức chú trọng công tác phòng chống dịch cho các khu vực này.
Ban chỉ đạo cũng đề nghị UBND tỉnh, thành phố tập trung công tác phòng chống dịch cho nhóm nguy cơ: công nhân ở các khu lao động đặc biệt ở các khu nhà trọ; người lao động tự do; người yếu thế; học sinh, sinh viên. Tăng cường chỉ đạo phòng lây nhiễm tại các cơ sở y tế; tăng cường lấy mẫu những bệnh nhân có các triệu chứng của cảm cúm; người lao động tự do; người yếu thế; công nhân ở các khu nhà trọ làm xét nghiệm để phát hiện sớm, khoanh vùng, dập dịch.
Về dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, Ban Chỉ đạo đề xuất sửa đổi một số nội dung so với dự thảo Chỉ thị đã trình liên quan tới việc tập trung đông người và yêu cầu khi tiếp xúc gần.
Theo đó, đối nhóm nguy cơ cao, vẫn giữ nguyên việc không tập trung quá 2 người; thực hiện giữ khoảng cách 2m và đeo khẩu trang khi tiếp xúc.
Đối với nhóm có nguy cơ, hiện nay dự thảo quy định về việc không tập trung quá 10 người, Ban chỉ đạo xin ý kiến nâng lên không tập trung quá 20 người, khoảng cách tiếp xúc là 1m và khi hai người tiếp xúc đeo khẩu trang.
Đối với nhóm nguy cơ thấp, hiện nay đang dự thảo quy định về việc không tập trung quá 20 người, xin ý kiến nâng lên không tập trung quá 30 người hoặc nhiều hơn, khoảng cách tiếp xúc là 1m khi hai người tiếp xúc đeo khẩu trang.
Ban chỉ đạo đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương tiếp tục triển khai các hoạt động phòng chống dịch, không được chủ quan, lơ là với dịch bệnh, quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, phát hiện sớm, cách ly, dập dịch kịp thời, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh đảm bảo thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ. Chỉ đạo Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) phối hợp với các địa phương có biên giới đường bộ tổ chức tốt việc kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, cách ly các trường hợp xâm nhập từ các nước láng giềng và có khả năng tăng số người về trong thời gian tới.
Bộ GD-ĐT cho biết, qua theo dõi tình hình đi học trở lại tại 3 tỉnh Cà Mau, Thái Bình, Thanh Hóa cho khối lớp 9 và 12, các tỉnh đã tổ chức chia các khối lớp ra nửa học sáng, nửa học chiều. Tỷ lệ bình quân học sinh đi học: lớp 9 đạt 96,52%; lớp 12 đạt 98,99%, các sở thực hiện nghiêm túc chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT trong đảm bảo an toàn khi học sinh đi học trở lại, qua hai ngày học, chưa phát hiện trường hợp bất thường. |