Mở đầu phiên họp, Thủ tướng đề cập đến tình hình lũ lụt đang xảy ra rất phức tạp ở các tỉnh miền Trung, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Trận lũ lịch sử này, lũ chồng lũ, lụt chồng lụt, lại có bão đang đến.
“Tôi đã sống ở vùng lũ nhiều năm nhưng nhiều người nói trận lũ lịch sử này còn cao hơn cả lũ năm 1999. Hiện lũ vẫn hoành hành ở Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh và mưa bắt đầu to ở Nghệ An. Các lực lượng chức năng đã vào cuộc quyết liệt, song ngoài khơi cũng đang xuất hiện cơn bão mới, hết sức nguy hiểm. Do đó, Thường trực Chính phủ họp để tiếp tục thống nhất các giải pháp quyết liệt hơn để ứng phó lũ lụt”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, lũ lụt khiến các mực nước ở các sông đều đang bằng và cao hơn lịch sử; mưa to, kéo dài nên gây sạt lở rất lớn, tính chất rất nghiêm trọng và trái quy luật bình thường. Đến nay, lũ lụt ở miền Trung đã làm 127 người chết và mất tích. Tại khu vực Thủy điện Rào Trăng 3 vẫn có nhiều công nhân mất tích, chưa tìm thấy. Thiệt hại là cực lớn. Thời điểm này, nước chưa rút nên chưa thể thống kê được, nhưng chắc chắn hạ tầng bị hư hỏng nhiều, nông nghiệp hư hại lớn.
“Mưa sẽ còn tiếp tục lớn trong ngày 19, 20-10. Đặc biệt, Hà Tĩnh cũng đã mưa lớn liên tục 2 ngày. Nơi đây có thủy điện lớn là Hồ Kẻ Gỗ, do đó cần tập trung chỉ đạo. Cùng với đó, đang có bão đến, do đó cần tập trung chỉ đạo công tác thủy lợi, thủy điện, nếu không sẽ là thảm họa nếu xảy ra vỡ hồ”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cảnh báo.
Về kiến nghị hỗ trợ cho các tỉnh thành bị ảnh hưởng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện Thủ tướng đã đáp ứng kiến nghị của các tỉnh, hỗ trợ 4.000 tấn gạo, bảo đảm không ai bị đói.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị hỗ trợ tối đa thuốc men, phao cứu sinh, xuồng cao tốc, nhà bạt cho dân; hỗ trợ khẩn cấp cho 5 tỉnh bị thiệt hại nặng mỗi tỉnh 100 tỷ đồng.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, bộ đã xuất cấp gạo cho các tỉnh (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam) để hỗ trợ cứu đói cho nhân dân vùng bị thiên tai, mưa lũ.
Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đều đồng tình với kiến nghị của Bộ NN-PTNT về hỗ trợ cho các tỉnh bị thiệt hại.
Về phương án cứu hộ, cứu nạn, phòng chống bão lũ, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Đinh Thọ cho biết, đã chỉ đạo các đơn vị có kế hoạch cụ thể, trực sẵn ở các điểm tập kết để kịp thời ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Một số tuyến đường bộ, nhất là khu vực phía tây đường Hồ Chí Minh bị sạt lở nghiêm trọng, đã và đang khắc phục để bảo đảm an toàn giao thông.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Lê Công Thành cũng báo cáo, đêm 20-10 sẽ có cơn bão vào Biển Đông, tương đối mạnh. Theo dự báo, bão sẽ hướng vào nước ta nên cần chủ động phòng chống.
Thông tin thêm, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, tình hình mưa lũ sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp; đề nghị Thủ tướng chỉ đạo, tập trung phòng chống, tìm kiếm, hỗ trợ, theo phương châm 4 tại chỗ. Sơ tán dân khỏi những khu vực nguy hiểm, nhất là vùng có nguy cơ lụt sâu, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Đặc biệt, cần chú ý điều tiết nước ở các hồ đập thủy lợi, thủy điện.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ, Thủ tướng rất chia sẻ, cảm thông sâu sắc với nỗi đau của gia đình có người bị nạn do bão lũ, trong đó có sự hy sinh của các cán bộ, chiến sĩ quân đội. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng hoan nghênh, biểu dương sự vào cuộc hết sức mình của các lực lượng, bộ ngành địa phương để cứu dân, hỗ trợ cho dân, kể cả lực lượng truyền thông.
Thủ tướng yêu cầu các lực lượng tiếp tục huy động mọi phương tiện để cứu dân, hỗ trợ cho vùng thiên tai, kiên quyết không để dân bị đói, bị rét. Cơ quan dự báo khí tượng thủy văn phải tăng cường công tác dự báo.
“Tập trung công tác chỉ đạo, ứng phó với các hồ chứa, tuyệt đối không để xảy ra vỡ hồ đập”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng tán thành với các đề nghị của Bộ NN-PTNT, trước mắt, xuất cấp cho mỗi tỉnh (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Hà Tĩnh) 1.000 tấn gạo để hỗ trợ dân, Bộ Tài chính cần xuất cấp ngay. Ngành y tế phải cử lực lượng y tế dự phòng, cấp thuốc, bảo đảm không để dịch bệnh xảy ra sau lũ.
Thủ tướng cũng đồng tình xuất cấp thêm các phương tiện cứu hộ, cứu nạn. Về hỗ trợ kinh phí khắc phục sửa chữa nhà ở, khôi phục sản xuất sau dịch, trước mắt, hỗ trợ tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Hà Tĩnh mỗi tỉnh 100 tỷ đồng.
Đây là khắc phục bước đầu, sau này các bộ ngành, địa phương phối hợp thống kê chặt chẽ thiệt hại, báo cáo Chính phủ tiếp tục hỗ trợ.
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng Chính phủ về ứng phó với bão lũ, nhất là công tác ứng phó với các hồ đập, khắc phục hậu quả sau bão lũ.