Những chú xe ôm, cô bán vé số, hay chị nhặt ve chai… có thêm nhiều bữa ăn có cá, có thịt. Sự sẻ chia kịp thời này càng khẳng định tính nhân văn, nghĩa tình trong từng chính sách của chính quyền thành phố.
Thế nhưng, đâu đó vẫn còn tiếng thở dài “giá như” của nhiều đối tượng khó khăn vì chưa được nhận hỗ trợ. Chính quyền dẫu có tâm, có sức, nhưng lại vướng các yêu cầu về thủ tục. Theo quy định, gói an sinh lần 2 sẽ chi cho các đối tượng “cư trú hợp pháp”, tức là có đăng ký tạm trú, thường trú ở địa phương. Đây là căn cứ quan trọng để chi đúng, chi đủ cũng như đảm bảo quản lý dân cư. Một số người không được hỗ trợ vì vướng mắc này. Không đảm bảo Luật Cư trú, là hậu quả lỏng lẻo quản lý nhân khẩu ở địa phương, nhưng cũng là thiếu sót của người dân trong một thời gian dài. Trách nhiệm đi đôi với quyền lợi chính là như vậy. Nếu trước đó, chính quyền cơ sở đủ sâu sát, người dân đủ quan tâm để thực thi pháp luật, thì gói hỗ trợ an sinh lần này chắc chắn sẽ càng đến gần hơn với nhiều đối tượng cần chăm lo.
Tương tự, đối với người lao động ở các doanh nghiệp, để có thể nhận chi trả từ gói hỗ trợ, trước hết phải tham gia BHXH đầy đủ. Tuy nhiên, theo báo cáo của BHXH TPHCM, tính đến tháng 7 năm nay, vẫn có hàng ngàn đơn vị nợ BHXH, BHYT với số tiền lên đến hơn 2.941 tỷ đồng. Quyền lợi của người lao động lại thêm phần vướng mắc. Khó chồng khó, cái sai của doanh nghiệp đẩy người lao động về phía thiệt thòi.
Trong đợt dịch Covid-19, có thể thấy sự nhanh chóng hỗ trợ của thành phố đến tay từng người dân, từ bó rau, miếng thịt cho đến khoản chi trả tiền mặt. Đồng thời, hệ lụy của việc không chấp hành quy định pháp luật cũng bộc lộ rất rõ. Thượng tôn pháp luật từ những điều nhỏ nhất sẽ đảm bảo các quyền lợi của người dân khi xảy ra khó khăn, thảm họa. Sở LĐTB-XH TPHCM hiện đang tiếp tục đề xuất bổ sung hỗ trợ lao động tự do với đợt chi trả tiếp theo. Mong rằng sẽ có thêm người nghèo, người vô gia cư nhận được sự quan tâm ấy, để đồng lòng cùng thành phố vượt qua gian khó này.