Thương tiếc nhà nghiên cứu Hán-Nôm Vũ Văn Kính

Cụ Vũ Văn Kính, nhà nghiên cứu Hán - Nôm chuyên sâu, đã vĩnh viễn ra đi lúc 7 giờ 30 ngày 27-8-2009, sau mấy tháng suy yếu như ngọn đèn cạn dầu, khi vừa đầy tuổi thọ 91. Cụ ra đi để lại trong lòng chúng ta niềm thương tiếc khôn nguôi. Bởi cụ Kính mất đi là chúng ta mất một cây đại thụ Hán-Nôm quan trọng.

Cụ Vũ Văn Kính, nhà nghiên cứu Hán - Nôm chuyên sâu, đã vĩnh viễn ra đi lúc 7 giờ 30 ngày 27-8-2009, sau mấy tháng suy yếu như ngọn đèn cạn dầu, khi vừa đầy tuổi thọ 91. Cụ ra đi để lại trong lòng chúng ta niềm thương tiếc khôn nguôi. Bởi cụ Kính mất đi là chúng ta mất một cây đại thụ Hán-Nôm quan trọng.

Kho tàng Hán-Nôm của chúng ta vẫn còn quá to lớn, nó là nền tảng, là kho báu của dân tộc, mà người có khả năng khai thác thì mỗi ngày mỗi hiếm. Chính cơ quan văn hóa quốc tế là UNESCO cũng từng đề cao và khuyến khích chúng ta khai thác kho tàng chữ Nôm. Cụ Vũ Văn Kính là người có công lớn trong việc nghiên cứu chuyên sâu Hán-Nôm.

Thật vậy, từ năm 1965 cụ đã hoàn thành quyển Từ vị Nôm, và quyển Từ điển chữ Nôm, đến năm 1970 thì được nhóm sinh viên Đại học Văn khoa Sài Gòn in ra bằng rô-nê-o và quyển Từ điển chữ Nôm thì đến năm 1971 được Trung tâm Học liệu Sài Gòn xuất bản.

Vũ Văn Kính cũng là người đầu tiên Đi tìm nguyên tác truyện Kiều, đối chiếu so sánh với ba tác phẩm Kiều chữ Nôm do ba cơ sở khác nhau in ấn. Ngoài ra cụ còn soạn các Bảng tra chữ Nôm thế kỷ 17, và Bảng tra chữ Nôm miền Nam. Gần cuối đời cụ cho xuất bản quyển Đại từ điển chữ Nôm với hơn ba vạn chữ, gần 2.000 trang khổ 16x24cm.

Nhưng công trình lớn nhất của cụ là dịch kho tàng chữ Nôm trong kinh điển Ki-Tô giáo của Maiorica, gồm 8.000 trang. Cụ còn là người đóng góp quan trọng trong việc khai thác Địa bạ triều Nguyễn, phiên âm Quốc Âm thi tập, tham dự vào việc hiệu đính truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, phiên âm Gương hiếu Việt Nam, soạn quyển Tự học chữ Nôm.

Cụ Kính vốn sinh trong gia đình Đông y, nên cụ đã soạn và sưu tầm hai bộ sách Đông y: 500 bài thuốc gia truyền và 400 thuốc gia truyền diễn ca.

Trước năm 1975 cụ được mời dạy chữ Nôm ở các trường Đại học Cần Thơ, Long Xuyên, Vạn Hạnh và Huế. Sau năm 1975 cụ là cộng tác viên của Viện Khoa học Xã hội Viêït Nam ở TPHCM mãi đến tuổi về hưu.

Nhìn chung, suốt cả cuộc đời cụ Vũ Văn Kính ngoài tấm gương sáng cho việc nghiên cứu chuyên sâu Hán-Nôm, cụ còn là một con người thuần hậu, hiền lành, trung thực, ai đã gần cụ đều mến thương. Nỗi trăn trở của chúng ta là cụ Vũ Văn Kính đã vĩnh viễn ra đi mà vẫn chưa có ai kế thừa công việc cao đẹp nhưng rất khó nhọc, đầy tính kiên trì… của cụ.

KHỔNG ĐỨC

Tin cùng chuyên mục