Tại hội thảo về các rào cản trong tích tụ đất nông nghiệp do Viện Nghiên cứu chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) tổ chức sáng nay 30-10, ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Nam cho biết, hiện nay Hà Nam đang là một trong những tỉnh đi đầu về tích tụ đất nông nghiệp, giao diện tích lớn cho doanh nghiệp để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, sản xuất hàng hoá với quy mô lớn.
Tuy nhiên, quá trình tích tụ gặp nhiều khó khăn do diện tích đất manh mún, nhỏ lẻ. “Để thu gom được 180ha đất giao cho một doanh nghiệp, chúng tôi phải thu gom của hơn 2.000 hộ dân” - ông Ngọc chia sẻ và nêu dẫn chứng: bình quân đất đai của tỉnh này chỉ có khoảng 500m2 trên một khẩu, đã qua 2 lần dồn điền đổi thửa để tập trung đất đai phục vụ cho cơ giới hoá, nhưng trung bình đến nay, mỗi hộ vẫn sở hữu 1,7 thửa.
Đến thời điểm này, Hà Nam đặt ra mục tiêu tích tụ khoảng 350ha đất nông nghiệp, trong đó đã giao cho 4 doanh nghiệp 210ha.
Theo bà Trần Thị Thanh Nhàn, Trưởng nhóm khảo sát về tình hình chuyển nhượng, tích tụ đất đai thuộc Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển nông thôn cho biết, hiện nay hơn 70% mảnh đất sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam chỉ có diện tích dưới 0,5ha nên quá trình tích tụ đất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Hình thức tích tụ hiện nay chủ yếu là mua bán giữa người dân với người dân và cho thuê giữa doanh nghiệp với người nông dân. “Tuy nhiên nhiều nơi người ta mua bán, chuyển nhượng chủ yếu là để đầu cơ, mua rồi bỏ hoang vì chờ đợi doanh nghiệp vào sẽ trả với giá cao hơn nhưng diện tích vẫn là manh mún” - bà Nhàn chia sẻ.
Mặc dù chủ trương tích tụ đất đai đã có từ nhiều năm nay song sở dĩ chậm, theo bà Nhàn, giải pháp là nhà nước phải có cơ chế, quy định pháp lý rõ ràng để người dân có thể yên tâm chuyển nhượng hoặc cho doanh nghiệp thuê mà không lo bị mất tài sản hoặc bị thiệt thòi; còn doanh nghiệp thì yên tâm khi thuê đất lâu dài, được bảo đảm về tài sản khi đầu tư trên đất, có thủ tục pháp lý chắc chắn, tránh tình trạng bị bể hợp đồng.