Chỉ còn gần 2 tháng là đến Tết Giáp Thìn 2024. Tất cả người lao động đều quan tâm năm nay, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sẽ chăm lo, đảm bảo mức lương, thưởng tết như thế nào. Tại một số doanh nghiệp làm ăn thuận lợi ở TPHCM, mức thưởng năm nay được thông báo bằng 2-3 tháng lương hoặc gấp 1,5 lần năm ngoái. Nhưng cũng có nơi, mức thưởng lại chỉ khoảng 1 triệu đồng/người. Dự báo, mức thưởng tết năm nay sẽ khó khăn do năm 2023 tình hình kinh tế - xã hội chưa phục hồi như kỳ vọng. Theo Tổng cục Hải quan, tổng giá trị xuất nhập khẩu cả năm 2023 chỉ đạt 619,36 tỷ USD, giảm 8,2% so với năm trước. Một bộ phận doanh nghiệp vẫn tiếp tục thiếu đơn hàng (nhất là may mặc, thủy sản), khiến thu nhập của người lao động giảm theo.
Quy định hiện nay không bắt buộc người sử dụng lao động phải thưởng tết cho người lao động. Nếu có, mức thưởng cũng sẽ do người sử dụng lao động quyết định dựa trên kết quả sản xuất - kinh doanh và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Tuy nhiên, “mười đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”. Từ nhiều năm qua, lương, thưởng tết đã trở thành một nét văn hóa giàu tính nhân văn trong quan hệ lao động ở nước ta. Lương, thưởng cuối năm không chỉ giúp người lao động có cái tết ấm lòng, mà còn tạo mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định lâu dài.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 30 yêu cầu các bộ ngành, địa phương bảo đảm đón Tết Giáp Thìn 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Bộ LĐTB-XH phải đảm bảo công nhân viên chức, người lao động được chi trả đầy đủ lương, tiền thưởng và bố trí nghỉ tết đúng theo quy định. Thông thường, phải đến gần tết, các đơn vị, doanh nghiệp mới có kế hoạch thưởng tết, nhưng năm nay, Bộ LĐTB-XH đã có công văn yêu cầu các địa phương hạn cuối ngày 25-12 phải báo cáo kế hoạch, mức lương, thưởng. Trong bối cảnh lương, thưởng năm nay có nguy cơ giảm hoặc chậm, chỉ thị của Thủ tướng ban hành vào thời điểm này là rất kịp thời và cần thiết.
Hiện nay, nhiều cơ quan, tổ chức đang chủ động vào cuộc chăm lo đời sống, chuẩn bị điều kiện đón tết chu đáo cho nhân dân, người lao động. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chuẩn bị các chương trình chăm lo tết cho người lao động từ sớm, gồm hỗ trợ tiền, quà, tổ chức các chuyến xe, tàu, máy bay miễn phí… đưa lao động về quê đón tết và trở lại làm việc sau tết. Mặt trận Tổ quốc, hội chữ thập đỏ các cấp, địa phương cũng đang chuẩn bị các chương trình từ thiện, hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã thông báo gộp 2 kỳ trả lương hưu tháng 1 và 2-2024 để hơn 3 triệu người hưởng có tiền chi tiêu trước tết…
Mặc dù vậy, để mọi nhà đều có tết, tất cả lao động đều có lương, thưởng dịp cuối năm, Bộ LĐTB-XH cùng các địa phương nên rà soát, nắm chắc tình hình đời sống của các đối tượng chính sách, người khó khăn để hỗ trợ kịp thời; nắm chính xác tình hình lao động tại những nơi có đông lao động; hỗ trợ những lao động bị giảm sâu thu nhập, mất hoặc thiếu việc làm do thiên tai, dịch bệnh, doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, kinh doanh. Tổ chức công đoàn với chức năng thương lượng và giám sát, nên đề nghị người sử dụng lao động sớm thông báo lương, thưởng tết, nhất là kế hoạch, thời điểm trả lương, trả thưởng… Chỉ khi có sự nỗ lực của các bên liên quan, quyền lợi, đặc biệt là lương, thưởng tết của người lao động mới có thể được đảm bảo.