Bên cạnh đó, khi cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, pháp nhân bị xét xử oan, sai; được cơ quan có thẩm quyền minh oan, sửa sai thì được xem xét phục hồi và trao lại danh hiệu vinh dự nhà nước; nhưng dự thảo lại không đề cập đến việc hoàn trả số tiền thưởng của danh hiệu vinh dự nhà nước đã bị thu hồi trước đó.
Ngày 6-9, tại Nhà Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức hội thảo trực tuyến “Hoàn thiện pháp luật về thi đua, khen thưởng đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh và Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển đồng chủ trì hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Sửu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội cho rằng, hoàn thành nhiệm vụ hay công việc là bình thường, không phải là một thành tích; do đó chỉ khen thưởng khi có minh chứng rõ ràng về sự đóng góp sáng tạo trong công việc và nhiệm vụ. Người đề xuất khen thưởng phải trách nhiệm về sự đề xuất đúng đắn của mình, thậm chí cần có cơ chế rút hay hủy bỏ quyết định khen thưởng.
Trong khi đó, TS. Mai Thị Mai (Đại học Luật Hà Nội) cho rằng dự thảo hiện nay mới chỉ nhấn mạnh phần quy định các nội dung liên quan đến phần “khen” còn nội dung liên quan đến phần “thưởng” thì chưa đầy đủ. Nội dung liên quan đến quỹ thi đua - khen thưởng đã có, nhưng còn chưa cụ thể. Bên cạnh đó, nội dung về tiền thưởng mới chỉ được để cập đến trong điều khoản liên quan đến “xử lý vi phạm về thi đua khen thưởng” (Điều 96 của dự thảo). Về “xử lý vi phạm về thi đua khen thưởng” (điều 96 của dự thảo), bà Mai Thị Mai nhận định: “Chính phủ quy định thủ tục hủy bỏ quyết định khen thưởng, tước, phục hồi và trao lại danh hiệu vinh dự nhà nước và thu hồi các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng, hiện vật và tiền thưởng”. Như vậy là có nội dung về việc thu hồi “tiền thưởng”. Trong khi đó, cũng điều 96 có quy định, khi cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, pháp nhân bị xét xử oan, sai; được cơ quan có thẩm quyền minh oan, sửa sai thì được xem xét phục hồi và trao lại danh hiệu vinh dự nhà nước; nhưng lại không đề cập đến việc hoàn trả số tiền thưởng của danh hiệu vinh dự nhà nước đã bị thu hồi trước đó.
Chia sẻ quan điểm về quan hệ hưu cơ giữa khen và thưởng, PGS.TS. Nguyễn Toàn Thắng (Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), kiến nghị, “khen” và “thưởng” phải tương ứng, đúng mức, hợp lý theo yêu cầu từ thực tiễn cuộc sống thì mới có tác dụng tạo động lực thật sự cho công tác thi đua, hướng tới sự phát triển đất nước.
Mở rộng đối tượng khen thưởng có quá trình cống hiến cho cán bộ cơ sở, thôn, bản là ý kiến của bà Dương Thị Thủy, Phó Trưởng Ban Tổ chức cán bộ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Bà Dương Thị Thủy nhận định, đối tượng được khen thưởng huân chương các loại về quá trình cống hiến như quy định hiện hành (khoản 4, Điều 4) thì mới chỉ từ cấp lãnh đạo quản lý và tương đương trở lên. Trong khi đó, có nhiều trường hợp, nhất là cán bộ Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội có vài chục năm công tác ở cơ sở, không có lương hoặc lương chỉ là tượng trưng, thì lại không được động viên thích đáng…