Thương những mùa lam lũ chờ nhau

Mưa ngoài trời mỗi lúc một nhiều và nặng hạt, tía lo chuyện ngoài ruộng, má ở nhà trông coi giàn bí, giàn bầu, mấy cây ăn trái. Mưa xuống mát trời, đám rau của má non xanh mơn mởn, giàn bí trổ bông vàng thấy mà thương, má vội vã chụp hình gửi cho mấy đứa xa nhà. Nhìn bí trổ bông cả giàn là biết thế nào cũng sắp có mấy trái bí quê nhà má gửi lên cùng mớ tôm khô cho tụi nhỏ để dành nấu canh.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Mưa xuống mát trời, đám rau của má non xanh mơn mởn, giàn bí trổ bông vàng thấy mà thương, má vội vã chụp hình gửi cho mấy đứa xa nhà. Nhìn bí trổ bông cả giàn là biết thế nào cũng sắp có mấy trái bí quê nhà má gửi lên cùng mớ tôm khô cho tụi nhỏ để dành nấu canh.

Đất quê, cây trái cũng lam lũ như người, góp nắng góp mưa rồi trổ đọt non, bông vàng, bông đỏ. Mưa nắng thuận lợi, cây trái tốt tươi mơn mởn; còn nắng hạn nhiều hơn mưa thì cũng trầy trật héo úa, nhưng chưa bao giờ lụi tàn. Mùa nắng kéo dài, nhìn giàn bí xơ xác, úa mùa mà thương, nhưng mưa xuống vài trận lại xanh non như mới.

Tía má thường dạy, đất quê che chở phận người là vậy, cao lương mĩ vị thì không có chứ mấy trái bí, trái bầu thì dư, chịu khó gói ghém cũng có bữa cơm ngọt lành mà không cần phải ra chợ. Trời có nắng khô cằn, thì trong lớp đất vẫn ấp ủ những hạt mầm rau trái, lớp này lụi tàn, vài cơn mưa xuống, hạt mầm lại vươn mình xanh um, giàn bí, giàn bầu trở mình như tía má vừa lập giàn hôm qua.

CN4 nspn2.jpg
Bí trổ bông vàng sau những trận mưa mát trời. Ảnh: ĐỖ TÌNH

Giàn bí mà lọt vào mắt tụi nhỏ thì thể nào cũng sạch bông, không đẹp như hoa cắm trang trí nhưng màu bông bí vàng ươm bắt mắt, nhìn qua thì cũng phải ngắt vài bông mới ưng bụng. Đứa này hái được thì đứa kia cũng tranh thủ, vậy là cả đám í ới nhau hái sạch giàn bí của má. Cầm tới cầm lui, xoay xuôi xoay ngược thì cũng chán, vậy là cắt to cắt nhỏ cho đã tay, cùng lắm thì má rầy chứ chẳng đánh đòn vì theo mưa theo nắng, bí lại trổ bông mấy hồi.

Với má, bông bí cũng là chắt chiu cả một tình thương của người vợ, người mẹ. Má đợi những đọt bí non, bông vàng còn mơn mởn, hái vô nhà thành dĩa rau luộc xanh xanh vàng vàng chấm kèm nồi cá kho tiêu, là bữa cơm nhà vét sạch nồi. Cá kho tiêu cay mặn đậm đà, bông bí, đọt bí non xanh có chút vị ngọt nhẹ, má luộc vừa chín tới để giữ độ giòn tự nhiên của rau, cơm quê chỉ vậy thôi mà bao năm xa xứ, dẫu thử qua đủ vị ngọt bùi, người ta vẫn nhớ hoài dĩa bông bí luộc.

Đâu đó trong nhịp sống thị thành, bông bí cũng là đặc sản trong những nhà hàng sang trọng, không chỉ là bông bí luộc mộc mạc như má thường làm, đầu bếp có nghề chế biến đủ kiểu như bông bí chiên giòn, nhồi chả cá chấm cùng các loại sốt pha theo kiểu gia vị ngoại nhập. Vị ngon vẫn còn trên đầu lưỡi, nhưng hương vị quê nhà phai nhạt đôi chút, bởi rau trái miệt vườn, lam lũ những mùa chờ nhau bình dị chứ không câu nệ rườm rà.

Có khi bông bí cũng là câu chuyện tình làng nghĩa xóm, ngắt mớ đọt bí non, bông bí vừa trổ đem sang nhà gửi cô Năm, chú Sáu ăn lấy thảo, thì cầm chắc là có được mớ sơ ri hay mấy trái dưa leo đem về. Ở quê, nhà nào cũng có đám rau mớ trái, nhưng có qua có lại, cái tình cái nghĩa nó gắn kết người ta như ông bà mình thường nói “bà con xa không qua láng giềng gần” là vậy.

Một chút để dành cho nhau chẳng đáng là bao nhiêu, thậm chí đường xá ngon lành như bây giờ, muốn ăn món gì chạy ra chợ mua mấy hồi… Nhưng quý ở chỗ người ta dành cho nhau mớ bông, mớ trái thiệt tình nhà nông, những mùa lam lũ chắt chiu ươm trồng để chờ nhau ngày hái bông bí vàng, ngắt cọng rau thơm.

Tin cùng chuyên mục