Chiếc thuyền máy lướt trên sông Tiền đưa du khách khám phá những cù lao nổi tiếng bao đời nay, được đặt theo tứ linh: Long, Lân, Quy, Phụng. Trước khi ghé thăm cù lao, thuyền chạy êm trên sông lộng gió ngắm cầu Rạch Miễu trong buổi sáng nắng lên. Nhịp cầu nối đôi bờ vui, hai bên bờ, nhất là phía Bến Tre là những rặng dừa soi bóng, dập dìu bên sóng nước, khi nước lớn lúc nước dòng.
Với những người dân phương Nam, những cù lao xanh mát bóng cây không xa lạ. Nhưng với nhiều du khách từ miền Bắc, miền Trung đó là những trải nghiệm đặc biệt. Bước lên cồn, đi giữa những vườn trái cây, vườn dừa rợp bóng, lại thêm những cơn gió mát dịu thổi từ sông, cảm giác như được hòa mình để khám phá thiên nhiên trù phú của xứ Nam kỳ lục tỉnh.
Không ít người trầm trồ bởi lần đầu được thấy những cây dừa xiêm lùn, thân cây chỉ cao độ hơn mét mà từng quày (buồng) dừa lúc lỉu trái, như đàn lợn con ôm ấp thân mẹ. Có quày dừa đến vài chục trái, hoặc xanh mướt hoặc giống dừa lùn lửa trông càng bắt mắt. Thử một trái, uống đến đâu dòng nước mát ngọt như tưới tắm cả tâm hồn. Đến thăm các cù lao ở Bến Tre còn có cơ hội tận mắt chứng kiến quy trình làm kẹo dừa, từ việc nạo lấy cơm dừa, những bếp đỏ lửa nấu kẹo dừa, bàn tay cô Ba, cô Tư thoăn thoắt cán, cắt, gói kẹo… thuần thục, nhẹ nhàng sao mà khéo đến vậy. Nếm một miếng kẹo dừa còn nóng hổi, đượm mùi sầu riêng, hay vị ca cao, khoai môn, đậu phộng, lá dứa… vị ngọt thanh trên đầu lưỡi rồi cứ vương vấn nơi cuống họng, như níu chân khách nhất quyết phải mua vài gói về làm quà.
Đến cù lao phải thưởng thức trái cây. Mùa nào trái đó. Là nhãn, chôm chôm, mít tố nữ, sầu riêng, bưởi, măng cụt… Đi giữa những vườn bưởi da xanh trái trĩu cành, vẫn còn đâu đó thoảng hương bưởi. Dưới những tán cây, là những tổ ong. Du khách có thể tự tay chấm và thử những giọt mật tinh khiết, kết tinh từ tình yêu của những chú ong chăm chỉ, bay lượn khắp miệt vườn, hút từng nhụy hoa. Một ly trà tắc mật ong, thêm chút phấn hoa hay sữa ong chúa, vừa có vị ngọt, lại thanh mát.
Say sưa trong mật ngọt, những câu đờn ca tài tử càng như níu chân người ở lại. Ban đờn, ca hầu hết là những người dân địa phương, trao truyền qua các thế hệ. Dù giọng hát, tiếng đờn không điêu luyện nhưng chất chứa trong đó là cái tình mênh mông, cái chân chất, giản dị. Những nghệ sĩ miệt vườn như thế cởi bỏ lớp áo bà ba còn vương bùn của ruộng lúa, vườn trái cây để cất lên những thanh âm ngợi ca cuộc sống, con người, tình yêu. Tiếng hát như dập dìu cùng sóng nước vẫn ngày đêm vỗ đôi bờ cù lao. Bảo sao lại không yêu, không thương và luyến lưu bước chân du khách đến và mong ngày không xa sẽ trở lại.