Thương nhớ mùa trâm xứ núi An Giang

Thương nhớ mùa trâm xứ núi An Giang

Thuong nho mua tram-1.jpg
Thuong nho mua tram-2.jpg
Cánh đồng gần núi Tô với hàng trăm gốc trâm
Thuong nho mua tram-3.jpg
Trong tiết trời nắng nóng, cảnh vật khô héo nhưng những gốc trâm mọc lên xanh mát

Cứ độ tháng 4 hằng năm, đi dọc theo Tỉnh lộ 943, hướng từ xã Núi Tô về thị trấn Tri Tôn (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), du khách sẽ bắt gặp cảnh hàng chục người dân bày bán trâm - thứ quả đặc sản địa phương dưới bóng trâm râm mát.

Mùa này, cây cối xung quanh vùng núi Tô, An Giang khô khốc, héo rũ, nhưng dưới chân núi, hàng trăm gốc trâm to vẫn đứng sừng sững, xanh mát. Trâm mọc bất cứ nơi đâu, từ bờ ruộng, giữa đồng, dưới chân núi đến tỉnh lộ. Hình ảnh những cây trâm cổ thụ xuất hiện giữa cánh đồng thốt nốt khiến khung cảnh miền quê Bảy Núi càng thêm thơ mộng.

Thuong nho mua tram-4.jpg
Cây trâm mọc hoang dại giữa ruộng, ven đường đê, ngay đường lộ tại xứ núi An Giang

Cây trâm mọc dại ở nhiều tỉnh, thành miền Tây nhưng tập trung nhiều nhất ở Núi Tô, An Giang. Đi dọc Tỉnh lộ 943, du khách sẽ bất ngờ với những hàng trâm mọc thành dãy. Vào mùa trâm chín, hàng chục phụ nữ địa phương mang trâm ra đường tỉnh bày bán cho du khách, người địa phương, kiếm thu nhập khá từ loại quả mọc dại này.

Thuong nho mua tram-8.jpg
Cây trâm mọc xen kẽ với thốt nốt tạo khung cảnh thú vị

Cây trâm ra hoa vào khoảng tháng 2, kết trái rồi bắt đầu chín vào khoảng tháng 4 hằng năm. Trái trâm sống có màu xanh, dần chuyển sang đỏ rồi tím đen khi chín. Lúc này người dân sẽ dùng thang tre trèo lên cây, lựa hái những trái chín mọng bán cho du khách. Người hái trâm phải nhẹ tay do trâm là loại trái dễ dập.

Thuong nho mua tram-7.jpg
Trâm mọc thành hàng ven đường tỉnh 943 tại xã Núi Tô, huyện Tri Tô (An Giang)
Thuong nho mua tram-9-1.jpg

“Trời mưa lâm râm/Cây trâm có trái/Con gái có chồng”…, cây trâm gắn với kỷ niệm tuổi thơ của nhiều người dân xứ “chín rồng”. Lũ trẻ con chơi đùa dưới bóng trâm, người lớn thì có nơi trú mát sau những giờ lao động vất vả.

Em Sók Lây, hàng ngày hái trâm, đem ra dọc đường bán. Hiện trâm đã vào mùa nên giá bán giảm, còn khoảng 50.000 đồng/kg. “Nhà cháu ở dưới chân núi Tô, có 5 cây trâm. Hằng ngày hái khoảng 10kg đem ra đường lộ bán. Hồi đầu mua bán được giá hơn, khoảng 80.000 đồng/kg”, Sók Lây cho biết.

Thuong nho mua tram-5.jpg

Những người sở hữu chục gốc trâm, có thể kiếm thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi mùa trâm chín. Do vậy, những năm gần đây, trâm còn được người dân trồng tạo bóng mát và kiếm thêm thu nhập. Thị trường tiêu thụ của trâm xứ núi An Giang không chỉ ở địa phương mà còn được vận chuyển đi TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai…

Thuong nho mua tram-6.jpg
Trái trâm khi sống có màu xanh, chuyển dần sang đỏ rồi tím đen khi chín
Thuong nho mua tram-9.jpg
Từng chùm quả trâm chín mọng
Thuong nho mua tram-9-2.jpg
Trâm chín có vị ngọt, chát đan xen, nhiều du khách thích thú
Thuong nho mua tram-10.jpg
Người dân hái trâm chín đem bán
Thuong nho mua tram-11.jpg
Người dân bày bán trâm chín tại Tỉnh lộ 943, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang

Do hạn hán kéo dài, trái trâm năm nay nhỏ hơn so với mọi năm. Tuy nhiên vị ngọt của trâm xứ núi thì không lẫn vào đâu được. Ăn quả trâm, cảm nhận vị ngọt, chát đan xen khiến nhiều du khách cảm thấy thích thú. Dù là loại trái cơm mỏng, hạt to, ăn vào tím rịm răng, lưỡi nhưng nhiều du khách đến vùng Bảy Núi An Giang nhất định phải tìm mua, thưởng thức cho bằng được loại quả dại mọc hoang này.

Tin cùng chuyên mục