Thương nhớ chú Ba Minh!

Thật bất ngờ khi nghe tin chú Ba mất. Ông mất vào Ngày Gia đình Việt Nam (28-6). Với ông, gia đình là những gì mà ông luôn muốn gửi gắm, giữ gìn, gắn bó. 
Sinh thời, điều mà ông luôn tâm đắc là sống sao cho trọn vẹn với “Ơn Đảng, nợ nước, tình nhà”. Giờ thì ông đã có thể ra đi thanh thản, để lại biết bao sự thương nhớ, không nguôi.
Chú Ba Châu Ngọc Minh sinh năm 1928, quê Sóc Trăng, thuộc lớp thanh niên tham gia Cách mạng Tháng Tám. Lúc đầu, ông hoạt động trong tổ chức Thanh niên cứu quốc, rồi làm Phó Đoàn trưởng Thanh niên cứu quốc của huyện. Năm 1948 đã là Thường vụ, Thường trực Huyện ủy Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, phụ trách công tác tuyên huấn. Ông có tới gần 5 năm hoạt động trên đất bạn Campuchia. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, học Trường Đảng Trung ương Nguyễn Ái Quốc 2 năm và sau đó công tác ở Ban Thống nhất Trung ương.
Sau giải phóng, có thời gian dài làm Phó ban Văn hóa Văn nghệ, Phó ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM cho tới lúc về hưu. Ông là người thẳng thắn, bộc trực, dám đấu tranh, dám trình bày ý kiến với các đồng chí lãnh đạo và không màng danh lợi. Là cán bộ chính trị, được phân công làm công tác tư tưởng ở lĩnh vực văn nghệ, được văn nghệ sĩ rất thương. Ông cho rằng, có lẽ mình có tấm lòng, mềm mỏng và chịu khó. Ông luôn dành thời gian tiếp xúc cá nhân, gần gũi, lắng nghe văn nghệ sĩ, kể cả những người có cá tính. Ông vẫn giữ thói quen uống trà, đàm đạo với đồng chí, bạn bè… Những lúc không đi được thì nói qua điện thoại.
Đối với gia đình, ông sống một cuộc đời trọn vẹn, thủy chung với người vợ thân yêu - cô Nguyễn Thị Bạch Yến, cán bộ phụ nữ tỉnh Sóc Trăng, học chung trường mácxít khu Tây Nam bộ. Hai người quen nhau một thời gian rồi đi đến hôn nhân. Mặc dù sống bên nhau chỉ được 6 năm (1951-1957) nhưng với ông, đây là tình yêu trọn đời trọn kiếp. Chuyện tình của ông dài nhiều trang, nhiều tập với tình yêu mênh mông, vô bờ. Đã 60 năm từ khi cô mất, vậy mà bọc quần áo của cô ông vẫn gìn giữ, lâu lâu đem giặt phơi… Từ khi cô mất, ông vẫn ở vậy nuôi 2 con trai nên người. Hết lo cho con, rồi lo cho cháu, cho tới giờ ông có cả thảy 3 cháu nội và 1 cháu cố. Các con xem ông là người cha vĩ đại, là thần tượng của mình. Các cháu vẫn luôn rất quý và gắn bó cùng ông. 
Kể về con cháu, với ông, cũng là những chuyện kể dài, có lớp lang, tình tiết. Lúc nhỏ, con trai lớn là Trường như thế nào, khi đi học ở Hungary dành tiền mua cho ông chiếc xe đạp ra sao… Con trai kế là Hà, lúc nhỏ mê phim, có lần làm bài không tốt, làm ông buồn mà không biết cách nào an ủi nên đã tìm cây roi và van xin: Ba cứ đánh con và con hứa từ nay về sau sẽ học tốt để ba không buồn nữa. Các chi tiết về các con làm ông luôn nhớ như: các con cứ tìm cách để thức ăn vào giữa chén cơm cho ông, nếu không thì ông cứ nhường thức ăn cho các con… Đến lượt cháu, ông rất mực yêu thương, luôn quan tâm chuyện học hành, nuôi dạy các cháu. Hôm đám cưới đứa cháu nội, ông rất vui và cảm thấy rất ấm lòng.
Ông luôn tâm đắc câu nói của người đời: “70 chưa què, chớ khoe mình lành”. Đối với ông, ông luôn có niềm tin rằng mình sẽ sống lành suốt đời bởi luôn không ngừng rèn luyện. Ông cho rằng, phải luôn rèn để loại trừ những ham muốn không lành mạnh… Ông sống tiết kiệm, giản dị, không dám xài sang nhưng khi cần cũng sẵn sàng và hào phóng giúp bạn những lúc khó khăn. Sau khi về hưu, ông còn dành thời gian xem phim, tham gia duyệt phim, đạp xe đi đó đi đây chuyện trò cùng những người bạn chí cốt. Với tấm lòng trong sáng, ông nhận xét công việc và con người cũng rất đáng tin cậy. Ông có nhiều câu chuyện, nhiều thông tin để kể và chia sẻ với bạn bè.
Chú Ba là một người bạn cùng niên, thân thiết, hay cùng đàm đạo với ba tôi mỗi buổi sáng chủ nhật, suốt nhiều năm sau giải phóng. Lúc ba mất, chú Ba đến sớm như một người thân trong gia đình, đứng chết lặng vì không được cùng nhau nói một lời nào nữa. Giờ thì ông về với ông bà, với những người bạn hiền… Cõi đời từ nay vắng ông, không còn được nghe những lời ân tình, giọng cười khà khà sảng khoái của ông.
Xin tiễn biệt chú Ba với sự kính trọng, lòng biết ơn về một con người dành cả cuộc đời cho nghĩa lớn. Tuy không giữ chức vụ cao nhưng với công việc đã thể hiện trách nhiệm cao và làm hết sức mình. Mấy chục năm phụ trách công tác văn nghệ luôn cố công vun bồi cho đội ngũ văn nghệ sĩ, đề xuất những chính sách, những giải pháp để mặt trận văn hóa văn nghệ của thành phố khởi sắc, để có nhiều hơn những tác phẩm mang tính tư tưởng, thẩm mỹ…
Chú Ba đã sống một cuộc đời trọn vẹn, nghĩa tình, lặng lẽ cống hiến, lặng lẽ phấn đấu, lặng lẽ cho đi. Ông là tấm gương thủy chung, nhân hậu, luôn giữ cho nếp nhà, cho gia đình luôn bền chặt với những giá trị sống tốt, với tất cả tình sâu, nghĩa nặng, với tất cả những gì có thể làm được.
Chú Ba ra đi bình an, thanh thản. Rất thương nhớ chú Ba.

Tin cùng chuyên mục