Vượt qua những lần mổ tiền liệt tuyến, rồi viêm tá tràng, những cơn đau gần đây đã hành hạ ông đến tận xương rồi. Với ông, cuộc ra đi lần này như một sự sắp đặt, sau khi giỗ người vợ thân yêu và đón đứa cháu nội vừa tốt nghiệp đại học ở nước ngoài về sau đợt cách ly 14 ngày do Covid-19…
Chú Phạm Thành Hòa sinh ra ở Nọc Nạn, Phong Điền, Giá Rai, Bạc Liêu, vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Do cha mẹ biết làm ăn, dành dụm, nên có điều kiện cho các con ăn học. Người anh học Collège Cần Thơ, chú Ba Hòa học tiểu học Giá Rai. Bấy giờ cả huyện chỉ có một trường tiểu học, học theo chương trình tiếng Pháp, học xong tiểu học phải lên Bạc Liêu thi tốt nghiệp. Không bao lâu thì làng quê không còn yên bình, nhà cửa bị Tây đốt, gia đình phải đi tản cư trên một chiếc ghe, có lúc không có quần áo mặc, phải lấy bao bố tời khoét lỗ tròng vào cho ấm. Cha mẹ mất sớm, mấy anh em đùm bọc nhau, đi làm thuê, làm mướn… Với hào khí của Cách mạng Tháng Tám, các anh em đều lần lượt tham gia kháng chiến. Lúc đầu, chú Ba vào làm ở xã, rồi Văn phòng Thị ủy Bạc Liêu, được một thời gian thì đi học ở Trường Trung học kháng chiến Nguyễn Văn Tố. Ra trường, chú Ba về làm việc ở Sở Công an Nam Bộ, có lúc làm thư ký cho đồng chí Phạm Hùng - Giám đốc Sở Công an Nam Bộ.
Năm 1954, chú Ba tập kết ra Bắc, được phân về Nam Định công tác. Khi làm Bí thư Đoàn Thanh niên căn cứ tỉnh, tham gia Thường vụ Tỉnh đoàn, được đi dự Đại hội Đoàn toàn quốc đã có phát biểu đề xuất về khẩu hiệu hành động được chấp nhận. Vừa công tác, vừa học tập, chú Ba đã học xong chương trình văn hóa và Cao cấp Chính trị tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Nhiều lần tình nguyện về Nam chiến đấu nhưng được giữ lại làm việc ở Ban Thống nhất Trung ương. Công tác ở Vụ Tổng hợp với nhiều hoạt động vì miền Nam, có cả việc đi nói chuyện với các sứ quán về cuộc chiến tranh chính nghĩa của Việt Nam…
Sau ngày giải phóng, chú Ba Hòa về công tác ở Ủy ban Quân quản rồi Văn phòng Ủy ban Nhân dân TPHCM, làm trưởng khối nội chính - văn xã. Chú Ba là người làm việc ở Tòa nhà - trụ sở của UBND TPHCM khá lâu. Từ năm 1976 - 1989 là Phó Văn phòng UBND, từ 1989-1995 là Trưởng ban Tổ chức chính quyền TP (tương đương với Giám đốc Sở Nội vụ bây giờ).
Làm ở Văn phòng UBND, chú Ba giúp việc cho lãnh đạo một cách đắc lực, không chỉ về viết lách mà còn tham mưu đề xuất những mô hình hay, trong đó có việc triển khai xây dựng nhà tình nghĩa. Ở đây, chú Ba Hòa đã chứng kiến và rất khâm phục những nhà lãnh đạo tuyệt vời, có những cách làm ấn tượng như thời đồng chí Võ Văn Kiệt. Chú Ba nói ông Kiệt là người biết lắng nghe và dám quyết, có khi còn mời những người từng là Đô trưởng Sài Gòn và những chuyên gia trên các lĩnh vực từng làm việc cho chế độ cũ về An Phú (bên sông Sài Gòn) cùng ăn cơm, hỏi han và chia sẻ một cách thân tình. Chú Ba cho rằng, thế hệ lãnh đạo như vậy đã khích lệ cán bộ cấp dưới làm việc sống chết, tâm huyết, sáng tạo, dám góp ý, kể cả dám tranh cãi… vì cái chung.
Lúc làm Trưởng ban Tổ chức chính quyền, chú Ba Hòa là người có nhiều đề xuất về cải cách thủ tục hành chính, trong đó có xin làm thí điểm cơ chế phường, rồi tiến tới là cấp quận. Đáng ghi nhận là cơ chế “một cửa, một dấu”, sau này là “một cửa liên thông”. Qua mô hình này, trụ sở được gom về một chỗ và được sửa sang khang trang hơn, nhờ vậy có dôi ra một số nhà đất để làm việc khác. Với cách làm có nhiều đổi mới về cải cách hành chính, Trưởng ban Tổ chức chính quyền thành phố được mời đi báo cáo nhiều địa phương, nổi tiếng khắp cả nước.
Mặc dù không làm chức lớn nhưng chú Ba được tin dùng, được chủ tịch thành phố ủy quyền nhiều việc. Chú Ba rất thích và rất hợp với cách làm việc sâu sát, xử lý công việc nhanh của lãnh đạo thành phố bấy giờ. Còn đối với các chủ tịch UBND quận, huyện thì luôn gắn bó cùng nhau, có điều kiện trao đổi công việc với nhau thường xuyên qua các cuộc giao ban về cải cách hành chính. Và các Ban Tổ chức chính quyền khu vực phía Nam cũng rất gắn bó với nhau. Bấy giờ, Tổ chức Chính phủ cử chú Ba Hòa làm tổ trưởng khu vực phía Nam, thường xuyên có những tập hợp kiến nghị, góp phần làm thay đổi cách làm việc, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Chính vì thế mà các ông từng là Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ của Chính phủ như Phan Ngọc Tường, Đỗ Quang Trung luôn giữ mối quan hệ, có dịp vào Nam là ghé thăm chú Ba.
Chú Ba Hòa là người lạc quan, thẳng thắn và gần gũi với mọi người. Cho dù trong cuộc sống cũng có lúc thăng trầm và trong cuộc đời làm cách mạng cũng có lúc, có người không hiểu và đánh giá chưa đúng nhưng chú cũng đã vượt qua và không ân hận điều gì. Có lần ông kể, khi tập kết, ông không được cho làm cải cách ruộng đất vì không biết đấu tố ai, bởi lúc ở Bạc Liêu ông thấy nhiều địa chủ hiến đất, cho con cái đi kháng chiến và nuôi chứa cán bộ…
Công tác ở cơ quan nào chú Ba cũng sâu sát với cán bộ, nhân viên trong cơ quan và như hiểu hết hoàn cảnh từng gia đình, có trường hợp hục hặc nào, chú Ba biết thì đứng ra hòa giải, nhìn chung là thành công. Ai có thắc mắc về nhà cửa, lương bổng… ông cũng giải thích tận tình, giúp hạ nhiệt. Những lần giải quyết về việc nhập hộ khẩu, chuyển xếp lương… nếu không cẩn thận, không làm việc có nguyên tắc thì dễ dẫn đến lạm quyền và dắt dây. Tâm niệm của ông là phải vì công việc, phải gương mẫu, phải toàn tâm toàn ý, công tâm và khách quan, luôn cố gắng học tập và rèn luyện thì sẽ hoàn thành được nhiệm vụ. Ông không nghĩ thiệt hơn về chức vụ, lương bổng, nhà cửa… cho mình. Nhưng lãnh đạo cũng biết, có lần cho sửa nhà trong hẻm cho ông.
Chú Ba nói và viết mạch lạc. Về hưu lâu nhưng luôn quan tâm tình hình thời sự, khi có điều kiện mời góp ý về việc này, việc kia, ông phát biểu rất thẳng thắn, xây dựng. Ông cũng hay làm những câu thơ ngắn tặng cho người thân, bạn bè. Ông có nhiều bạn bè thân thiết ở nhiều lĩnh vực, nhiều lứa tuổi. Có lẽ, nhóm bạn thích nhất của ông là nhóm cao niên, luôn sớm hôm có nhau.
Dịp Tết 2020, nhiều người đến thăm, trong đó có người trước đây giữ cương vị cấp cao của đất nước, có người đang đứng đầu lãnh đạo ở quê hương Bạc Liêu, cùng nhiều lãnh đạo và bạn bè ở TPHCM, ở quận 1…
90 năm cuộc đời, 70 năm tuổi Đảng, chú Ba Hòa đã gắn bó trọn vẹn với lý tưởng cách mạng, với gia đình. Ông đã nhận được nhiều huân chương và phần thưởng cao quý.
Chú Phạm Thành Hòa là hình ảnh thân thương, con người có nghĩa khí, có tấm lòng, có cốt cách đậm chất Nam bộ. Chú Ba sống vui và lạc quan, ra đi về với tổ tiên, ông bà thanh thản. Luôn thương nhớ chú Ba.