Ngang nhiên hút cát
Sông Đồng Nai phía thượng nguồn (khu vực giáp danh với 2 tỉnh Bình Phước và Lâm Đồng) những ngày này nước cạn, nước sông nổi một màu trắng đục ngầu do tàu thuyền hút cát qua lại cả ngày lẫn đêm. Dọc theo dòng sông theo hướng từ xã Đồng Nai (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) đến xã Đăng Hà (huyện Bù Đăng) có hàng chục bến tập kết cát và cả trăm điểm sạt lở nghiêm trọng. Có những đoạn diện tích sạt lở lên tới hàng trăm mét. Hai bờ sông bị xé toang, nham nhở tạo thành những hố sâu, đất bồi phù sa cũng bị sạt với diện tích lớn, đổ ập xuống lòng sông, kéo theo nhiều hécta vườn điều, cao su đang xanh tốt. Đây chính là hệ lụy của tình trạng hút trộm cát diễn biến phức tạp suốt thời gian dài.
Thời điểm khoảng 14 giờ ngày 10-9, tại bến Ông Ghẹo, thuộc khu vực xã Phước Sơn (huyện Bù Đăng) giáp ranh với rừng Bắc Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng), chúng tôi phát hiện một thuyền hút cát với trọng tải 150m3 do 2 người đàn ông điều khiển đang chĩa vòi rồng xuống lòng sông. Tiếng máy nổ rền vang, ầm ĩ cả một góc rừng nhưng chốt kiểm lâm bảo vệ rừng Bắc Cát Tiên gần kề vẫn coi như không biết gì. Các đối tượng vô tư hút cát ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Sau khi cát đầy ắp, hai đối tượng này thong thả cho thuyền về bến. Để che giấu hành tung, các tàu thuyền đều xóa sạch các số hiệu trên thân tàu nên ngành chức năng rất khó nhận diện. Các hộ dân khẳng định, đây là những tàu hút cát trộm, ăn theo các đơn vị được cấp phép khai thác cát.
Sau nhiều ngày đi dọc lòng sông, từ xã Đăng Hà đi xã Đồng Nai với khoảng 30km, chúng tôi phát hiện các tàu hút cát hoạt động cả ngày lẫn đêm. Tàu hút cát xuất phát từ các bến tập kết cát thuộc xã Đăng Hà ngược lên thượng nguồn sông Đồng Nai, đoạn giáp ranh với rừng Bắc Cát Tiên, mỗi ngày ít nhất từ 2 - 3 chuyến, có ngày lên tới 5 - 7 chuyến; sớm nhất là từ 3 giờ 30 và muộn nhất đến 21 giờ 30. Các tàu hút cát có trọng tải từ 70m3, 120m3 và lớn nhất là 150m3. Sau khi bơm hút cát xong, các đối tượng cho thuyền quay đầu trở về bến và bán ra từ 250.000 - 350.000 đồng/m3. Từ các bến ở xã Đăng Hà, cát sẽ được vận chuyển đến các điểm tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng, TPHCM và các vùng lân cận.
Tan hoang vườn rẫy
Tính đến tháng 6-2018, trên sông Đồng Nai, đoạn giáp 3 tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Phước, có 16 giấy phép khai thác cát được cấp đến hết năm 2018. Lãnh đạo 3 tỉnh thống nhất, chỉ được cho phép doanh nghiệp khai thác tại những vị trí không sạt lở, ngoài khu dân cư, ngoài phạm vi an toàn của trạm thủy lợi. Tuy nhiên, do quản lý lỏng lẻo nên nhiều đoạn bờ sông thuộc phía thượng nguồn đang sạt lở nghiêm trọng.
Dẫn chúng tôi vào vườn rẫy của gia đình, anh Nguyễn Văn Thắng ở xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, xót xa cho biết, vợ chồng gom góp chút tiền để mua 4,5ha rẫy trồng điều, cà phê canh tác được 4 năm nay (thuộc thôn 3, xã Đồng Nai, giáp với rừng Bắc Cát Tiên, nằm dọc sông Đồng Nai). Do tình trạng khai thác cát ồ ạt gây sạt lở nên 1,2ha đất cùng nhiều cây trồng của gia đình trôi xuống dòng sông. Anh cho biết: “Ngày trước, lòng sông chỉ rộng chừng 30m, đến nay đã biến thành mặt hồ rộng 150m. Vị trí nào khai thác cát với tần suất lớn thì khu vực đó tình trạng sạt lở càng nghiêm trọng, nhất là vào mùa mưa như hiện nay, đang từng ngày đe dọa cuộc sống bà con nơi đây”.
Từ huyện Đạ Oai, tỉnh Lâm Đồng, cha con ông Vũ Văn Hoàng (57 tuổi) xuống khu vực này mua 8ha đất trồng điều ven bờ sông. Tuy nhiên, chẳng mấy ngày được yên ổn, các đối tượng hút cát hoành hành khiến vườn rẫy của gia đình tan hoang. Ông Hoàng cho hay, đi theo các thuyền là những tay giang hồ bặm trợn, khi bị người dân phản đối, chúng đe dọa sẽ xử bằng “luật rừng”. Do khu vực xa dân cư nên nhiều hộ dân chỉ biết than trời. Đến nay, vườn nhà ông đã bị sạt lở khoảng 3ha rẫy; tình trạng này kéo dài sẽ mất toàn bộ diện tích đang canh tác. Không chỉ các hộ dân làm rẫy nơi đây chịu ảnh hưởng, dọc 2 bên bờ sông cuộc sống của hàng trăm hộ dân từng ngày đang bị đe dọa bởi vấn nạn hút trộm cát này.