Độ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch hàng năm, nước từ thượng nguồn sông Mê Công đổ về ĐBSCL. Đồng Tháp, An Giang, vùng Tứ giác Long Xuyên… mênh mông biển nước, trắng xóa những cánh đồng.
Con nước về không ào ào như trận lũ, bởi thế mà bao đời nay, người ta quen gọi là mùa nước nổi. Nước dâng từ từ, đầy ắp những con sông, rồi tràn qua đê, qua ruộng. Theo mùa nước nổi, đặc sản cá linh vang danh khắp Nam bộ, món mắm cá linh được nhiều người biết đến. Cá linh mùa nước nổi phải đi kèm bông điên điển mới đúng điệu miền Tây. Dân nhậu có chút men ngà ngà, rỉ rả mấy câu: Canh chua điên điển cá linh/Ăn chỉ một mình thì chẳng biết ngon.
Vài năm trở lại đây, cá linh không chỉ còn chờ mùa nước nổi mới có. Nhưng cá linh muốn ngon phải là cá linh non đầu mùa nước nổi, thịt ngọt, xương mềm, hòa cùng chút vị nhân nhẫn của bông điên điển, dẫu không cao lương mỹ vị, nhưng cũng đủ đặc sắc làm say lòng khách phương xa.
Con nước rút dần, để lại lớp phù sa vun bồi cho ruộng vườn, người nông dân bước vào mùa canh tác mới. Dựa vào tự nhiên và đặc thù địa lý, mùa nước nổi cũng là một mùa mong đợi để mần ăn, kiếm thêm chút đỉnh của người dân. Du lịch mùa nước nổi vài năm trở lại đây thu hút du khách, một hình thức trải nghiệm mang tính sinh thái, cùng việc thưởng thức đặc sản theo con nước, khiến nhiều du khách phương xa thích thú tìm đến.
Du khách tìm đến mùa nước nổi vì tò mò, hay trải nghiệm khám phá, người dân đất Chín Rồng chờ con nước, chờ lớp phù sa mới và chờ một mùa bội thu sản vật như lẽ tự nhiên mà thiên nhiên ban tặng. Ai lớn lên từ những thôn xóm, tuổi thơ đắm mình tắm mát ở khúc sông quê, mùa nước nổi như một phần tự nhiên không thể thiếu trong cuộc sống. Năm nay, con nước không về, hay về trễ thì cũng có nhiều xáo trộn trong cuộc sống nơi miệt vườn sông nước, phần nào đó kinh tế thiệt thòi khá đáng kể.
Và trong những mùa nước nổi bao nhiêu năm qua, có sự chắt chiu của má, bảo ban của tía, để sắp nhỏ trong nhà lớn lên đứa nào cũng biết lội sông, bơi xuồng… Con nước về, chắt chiu buôn bán mớ điên điển hay rổ cá linh, má dành dụm yêu thương để tụi nhỏ mang theo những ước mơ học hành đỗ đạt nơi phố thị, giỏi chữ giỏi nghề, đời con cái đỡ cực hơn đời tía má… Cứ thế mà người ta trông đợi mùa nước nổi, như thể đợi một mùa thương, một miền nhớ mà lớn lên nơi miền châu thổ, con nước cũng thành niềm thương, nỗi nhớ mỗi bận xa nhà.
Những nghiên cứu và phân tích tình hình khí hậu, môi trường từ các chuyên gia trên thế giới, vài năm qua cũng chỉ ra nhiều lo lắng. ĐBSCL là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất từ biến đổi khí hậu. Tác động của sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng càng thêm trầm trọng khi hàng loạt đập thủy điện được xây dựng dọc theo dòng chảy của sông Mê Công. Sự giàu có của dòng nước đang bị suy kiệt, đe dọa sinh kế của hàng triệu người dân sống trên vùng châu thổ này.
Miền sông nước mà vắng mùa nước nổi thì buồn biết mấy, cũng như lòng người miệt vườn, miệt Thứ mà thiếu lớp phù sa văn hóa của đồng bằng thì bản sắc quê nhà biết đọng lại nơi đâu!