
Dư địa xuất nhập khẩucòn rất lớn
Theo Cục Hải quan (Bộ Tài chính), năm 2024, kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc lần đầu tiên vượt mốc 200 tỷ USD, đánh dấu cột mốc chưa từng có trong quan hệ kinh tế song phương của Việt Nam với bất kỳ quốc gia nào. Hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước rất đa dạng, từ nông sản đến hàng tiêu dùng và linh kiện điện tử.
Riêng năm 2024, Trung Quốc chiếm 26% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường nhập khẩu hàng hóa số một của Việt Nam. Tuy nhiên, trong 2 tháng đầu năm 2025, nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh (23,3 tỷ USD, tăng 20,7%), trong khi xuất khẩu sụt giảm (7,9 tỷ USD, giảm 2,1%). Thặng dư thương mại nghiêng hẳn về Trung Quốc.
Nguyên nhân chính là việc nước này siết chặt kiểm tra an toàn thực phẩm với nông sản. Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, xuất khẩu rau quả 2 tháng đầu năm chỉ đạt 724 triệu USD, giảm 25%, riêng thị trường Trung Quốc giảm tới 43%.
Mặc dù có những biến động ngắn hạn, các chuyên gia đánh giá triển vọng thương mại song phương của hai nước vẫn rất lớn. Ông Đỗ Nam Trung, nguyên Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc), dự báo, kim ngạch song phương của hai nước có thể đạt 300-400 tỷ USD trong 5-10 năm tới, nhờ lợi thế địa lý, quy mô thị trường và sự bổ trợ lẫn nhau về cơ cấu hàng hóa.
Đặc biệt, khu vực Hoa Đông (Thượng Hải, Giang Tô, Chiết Giang) chiếm 30% kim ngạch thương mại song phương, nhưng vẫn còn dư địa lớn. Với hơn 160 triệu dân và hạ tầng thương mại điện tử - logistics phát triển, đây là thị trường tiềm năng nếu các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận bài bản. Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết, Việt Nam ưu tiên thu hút đầu tư từ Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng tái tạo, chế biến sâu và logistics - những ngành giúp nâng cấp nền kinh tế.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia của Việt Nam nhìn nhận rằng thị trường Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính. Doanh nghiệp Việt Nam buộc phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe như mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn đóng gói, sở hữu trí tuệ... để phù hợp trong bối cảnh mới. Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, tỷ lệ tận dụng các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn thấp (30%-40%), nguyên nhân không chỉ nằm ở chính sách mà còn do doanh nghiệp yếu năng lực tuân thủ và thiếu chiến lược thị trường rõ ràng. Đây là điểm nghẽn cần sớm tháo gỡ nếu muốn tăng sức cạnh tranh hàng Việt tại thị trường láng giềng.
Hướng đến thương mại cân bằng - bền vững
Theo Bộ Công thương, để giảm nhập siêu và khai thác tốt hơn thị trường Trung Quốc, Việt Nam đã kiến nghị Trung Quốc đẩy nhanh mở cửa thị trường nông sản, ký thỏa thuận khung về thương mại gạo, phối hợp thông quan tại cửa khẩu nhằm tránh ùn tắc. Một đề xuất cụ thể là thành lập Văn phòng Xúc tiến thương mại tại Hải Nam và phối hợp xây dựng Trung tâm Giao dịch trái cây Trung Quốc - ASEAN tại Quảng Tây và Quảng Ninh. Theo đại diện Bộ Thương mại Trung Quốc, Bắc Kinh ủng hộ nhập khẩu nông sản chất lượng cao từ Việt Nam và khuyến khích doanh nghiệp hai bên tăng kết nối qua hội chợ, kênh thương mại hiện đại.
Từ năm 2023 đến nay, Trung Quốc đã cho phép nhập khẩu chính ngạch nhiều mặt hàng của Việt Nam như sầu riêng, chuối, tổ yến, khoai lang… Đây là tín hiệu tích cực nhưng không đồng nghĩa với sự dễ dãi. Bộ Công thương nhấn mạnh, việc chuẩn hóa toàn bộ quy trình sản xuất - sơ chế - đóng gói - vận chuyển theo chuẩn quốc tế là điều kiện tiên quyết để hàng Việt giữ vững thị phần tại thị trường này. Cùng với đó, việc đàm phán mở rộng danh mục hàng nông sản được phép xuất khẩu, đầu tư hệ thống kho lạnh tại các tỉnh biên giới, nâng cấp hạ tầng logistics, đơn giản hóa thủ tục thông quan cũng đang được Bộ Công thương thúc đẩy. Việt Nam cũng khuyến khích các doanh nghiệp tận dụng mạng lưới hiệp định thương mại tự do (FTA) rộng lớn để giảm phụ thuộc vào một thị trường duy nhất, đồng thời nâng cao năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Bộ Công thương cũng đặc biệt chú trọng thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như sầu riêng, thanh long, xoài, chanh leo sang Trung Quốc. Đây là hướng đi mang tính chiến lược nhằm cân bằng cán cân thương mại trong dài hạn.
Có thể thấy, việc Việt Nam - Trung Quốc chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện vào tháng 12-2023 không chỉ thể hiện sự tin cậy chính trị ngày càng được củng cố, mà còn mở ra không gian rộng lớn hơn cho việc điều phối chính sách, gắn kết thể chế và làm sâu sắc hơn các lợi ích đan xen.