Đây là kết luận trong một báo cáo vừa được công bố của Ban Thư ký Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), theo đó cấu thành chi phí thương mại toàn cầu hậu Covid-19 sẽ được định hình lại sau những thay đổi đáng kể này.
Vận tải quyết định chi phí thương mại
Kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19, vận tải hàng hải và đường bộ mặc dù không gián đoạn nhưng bị chậm trễ nghiêm trọng. Trong khi đó, vận tải hàng hóa bằng hàng không đã bị gián đoạn liên tục, với năng lực vận chuyển hàng không toàn cầu giảm 24,6% vào tháng 3-2020.
Báo cáo chỉ rõ, các hạn chế trên đã làm gián đoạn hoạt động vận chuyển hàng hóa, kinh doanh du lịch và việc cung cấp các dịch vụ phục vụ cá nhân ở nước ngoài. Các dịch vụ có sự tiếp xúc gần giữa nhà cung cấp và người tiêu dùng (chẳng hạn như du lịch, vận tải hành khách hoặc dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa) đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các quy định hạn chế đi lại và giãn cách xã hội, vì vậy dẫn đến sự gia tăng rất lớn về chi phí thương mại. Trong khi chi phí vận tải chiếm một phần quan trọng trong chi phí thương mại, ước tính chiếm 15%-31% tùy thuộc vào từng lĩnh vực.
Mặc dù sự tăng giá vận tải hàng không có khả năng giảm xuống khi vận tải hành khách phục hồi, nhưng việc nhiều hãng hàng không phá sản có thể dẫn đến sự hợp nhất trong ngành hàng không, cạnh tranh thấp hơn và sự thay đổi về nhu cầu đi lại của hành khách có thể dẫn đến chi phí vận tải hàng không cao hơn trong dài hạn. Chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không cao hơn và sự giảm sút đi lại sẽ ảnh hưởng đến cả thương mại hàng hóa và dịch vụ. Hạn chế về vận tải đang khiến chính phủ các nước đẩy nhanh các kế hoạch để thu hẹp việc toàn cầu hóa sản xuất và đưa hoạt động sản xuất gần hơn với nơi tiêu thụ cuối cùng.
Trông chờ tiềm lực kỹ thuật số
Quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại đang có cơ hội tăng tốc. Sự bùng nổ của hội họp trực tuyến cũng đang thúc đẩy các công việc trực tuyến và dịch vụ từ xa, từ đó toàn cầu hóa các lĩnh vực trước đây chủ yếu dành cho trong nước. Việc chuyển đổi sang hình thức tương tác điện tử có thể làm giảm bớt một số tác động, nhưng điều này sẽ khác nhau giữa các nền kinh tế tùy thuộc tiềm lực về kỹ thuật số, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông.
Các rào cản chính sách thương mại và sự khác biệt về quy định được ước tính chiếm ít nhất 10% chi phí thương mại trong tất cả lĩnh vực. Chúng bao gồm các biện pháp thuế quan và phi thuế quan, các rào cản thương mại tạm thời, sự khác biệt về quy định và chi phí qua biên giới, cũng như các chính sách khác tác động đến thương mại, chẳng hạn như thiếu thuận lợi đầu tư hoặc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Trong quý 1-2020, mức độ không chắc chắn trên toàn cầu cao hơn 60% so với mức gây ra bởi chiến tranh Iraq và bùng phát Hội chứng suy hô hấp cấp nghiêm trọng (SARS) vào năm 2003. Vào giữa tháng 3-2020, chỉ số về biến động của thị trường tài chính đã gần đạt mức cao nhất trong lịch sử được ghi nhận năm 2008.
Đại dịch Covid-19 đã chỉ rõ sự toàn cầu hóa đã đi quá xa. Trong tương lai, cho dù chi phí thương mại dự kiến sẽ có nhiều thay đổi sau khi đại dịch được kiểm soát, thì các lựa chọn chính sách của các chính phủ sẽ rất quan trọng trong việc định hình chi phí thương mại.
Môi trường kinh doanh cũng sẽ được phát triển theo hướng số hóa nhanh hơn, ứng dụng các công nghệ mới, như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data). Nhìn chung, hoạt động của nền kinh tế toàn cầu dự báo sẽ có những biến đổi mới, diễn ra trên quy mô lớn và chưa từng có tiền lệ.