Phụ thuộc vào lạm phát
Theo WTO, trong 6 tháng đầu năm, khối lượng thương mại hàng hóa giảm 0,5% so với cùng kỳ. Thông báo của WTO cho biết, suy giảm thương mại dường như diễn ra trên diện rộng, liên quan đến nhiều quốc gia và nhiều loại hàng hóa, nhất là một số mặt hàng như sắt thép, thiết bị văn phòng, viễn thông và hàng dệt may. Tăng trưởng thương mại hàng hóa có thể bắt đầu phục hồi vào năm 2024, nhưng quỹ đạo sẽ phụ thuộc vào lạm phát. Tăng trưởng có thể cao hơn mức dự kiến nếu lạm phát giảm nhanh.
Cảng hàng hóa Hamburg, Đức |
Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cho rằng, tốc độ tăng trưởng thương mại chậm lại trong năm nay là điều đáng lo ngại bởi có những tác động bất lợi tới mức sống của người dân trên khắp thế giới. Bà nhấn mạnh đến những dấu hiệu về sự phân mảnh kinh tế toàn cầu đang gây những tác động không tích cực.
Theo bà Okonjo-Iweala, các thành viên WTO phải nắm bắt cơ hội để củng cố khuôn khổ thương mại toàn cầu bằng cách tránh chủ nghĩa bảo hộ và thúc đẩy một nền kinh tế toàn cầu linh hoạt, phát triển toàn diện hơn. Trong khi đó, theo Công ty Vận tải toàn cầu Maersk, các dấu hiệu phục hồi thương mại sẽ xuất hiện vào năm 2024. Người tiêu dùng Mỹ và châu Âu sẽ thúc đẩy sự phục hồi, trong khi các thị trường mới nổi tỏ ra có sức chống chịu tốt, đặc biệt là Ấn Độ, khu vực Mỹ Latinh và châu Phi.
Rào cản thuế quan
Báo cáo của WTO công bố trong bối cảnh hoạt động thương mại toàn cầu đang đối mặt với những dấu hiệu căng thẳng sâu sắc. Theo Tập đoàn tài chính Citigroup (Mỹ), thế giới đang trải qua sự bế tắc giao dịch trong thời kỳ hậu Covid-19, bắt nguồn từ những phản ứng với các chính sách kinh tế được áp dụng trong thời kỳ dịch bệnh.
Trong lúc Mỹ và các nước phương Tây sử dụng các biện pháp hỗ trợ tài chính để tăng sức mua của người dân, Trung Quốc lại lựa chọn cách thức đưa công nhân quay trở lại nhà máy. Nói cách khác, trong khi Trung Quốc cố gắng thúc đẩy nguồn cung, các đối tác thương mại phương Tây của họ lại tập trung nâng cao mức cầu. Tuy nhiên, giờ đây mọi thứ đều đang chững lại. Lạm phát cao và các đợt tăng lãi suất để kiềm chế đà tăng giá cả của các ngân hàng trung ương cũng buộc người tiêu dùng phải chi tiêu thận trọng hơn, qua đó, dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu từ các nước châu Á.
Bên cạnh đó, sự chuyển đổi xu hướng chi tiêu từ hàng hóa sang dịch vụ, nhất là tại các nền kinh tế phát triển, cũng ảnh hưởng đến hoạt động thương mại. Khi nền kinh tế hoạt động bình thường trở lại, nhu cầu chi tiêu lại tập trung vào các dịch vụ ăn uống, du lịch… Về lâu dài, triển vọng thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng khi các nền kinh tế lớn đẩy mạnh việc sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu và mang một phần lớn hoạt động sản xuất, đầu tư về nước.