Nhiều tác động tiêu cực
Theo UNCTAD, sự tăng trưởng này (tăng khoảng 250 triệu USD so với quý 4-2021) được thúc đẩy chủ yếu do giá hàng hóa tăng trong khi khối lượng thương mại chỉ tăng ở mức độ thấp. Mặc dù tình hình dự kiến sẽ vẫn tích cực, nhưng tăng trưởng thương mại sẽ chậm lại trong quý 2-2022.
Cuộc xung đột quân sự ở Ukraine đang gây ảnh hưởng đến thương mại quốc tế, nhất là việc tăng giá hàng loạt mặt hàng thiết yếu. Bên cạnh đó, lãi suất tăng và việc cắt giảm các gói kích thích kinh tế có thể sẽ tác động tiêu cực đến khối lượng thương mại trong thời gian còn lại của năm 2022. Sự biến động giá cả hàng hóa và các yếu tố địa chính trị cũng sẽ tiếp tục khiến tình hình thương mại trở nên bất định.
Tăng trưởng xuất khẩu đã mạnh hơn ở các khu vực xuất khẩu hàng hóa do giá hàng hóa tăng. Giá trị xuất khẩu hàng hóa từ các nước đang phát triển trong quý 1-2022 cao hơn khoảng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, con số này ở các nước phát triển là khoảng 14%.
Báo cáo cho thấy, hầu hết các ngành kinh tế đều ghi nhận giá trị thương mại trong quý 1-2022 tăng đáng kể so với cùng kỳ. Giá nhiên liệu cao là nguyên nhân thúc đẩy giá trị thương mại trong lĩnh vực năng lượng tăng mạnh. Tăng trưởng thương mại cũng trên mức trung bình đối với kim loại và hóa chất. Ngược lại, xuất nhập khẩu phương tiện đi lại - vận chuyển và thiết bị thông tin liên lạc vẫn ở dưới mức của năm 2021 và 2019.
UNCTAD nhận định, tình hình thương mại thế giới trong thời gian còn lại của năm 2022 có khả năng bị ảnh hưởng vì tăng trưởng kinh tế chậm hơn dự kiến - do lãi suất tăng, áp lực lạm phát và lo ngại về khả năng thanh toán nợ ở nhiều nền kinh tế.
Ngoài cuộc xung đột ở Ukraine, còn nhiều yếu tố khác được dự báo gây ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu trong năm nay như những thách thức tiếp tục đối với việc đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu, xu hướng khu vực hóa và các chính sách hỗ trợ quá trình chuyển đổi hướng tới một nền kinh tế toàn cầu xanh hơn.
Lạm phát bủa vây
Bản báo cáo được công bố trong bối cảnh lạm phát đang bủa vây toàn cầu. Theo tạp chí Project Syndicate, chỉ hơn 2 năm sau khi đại dịch Covid-19 tác động dẫn đến cuộc suy thoái toàn cầu trầm trọng nhất kể từ Thế chiến thứ 2, nền kinh tế thế giới lại rơi vào tình trạng nguy hiểm, đối mặt đồng thời với tình trạng lạm phát tăng cao và tăng trưởng chậm lại.
Ngay cả khi suy thoái toàn cầu được ngăn chặn, những tác động của tình trạng lạm phát có thể kéo dài trong vài năm, với những hậu quả có thể gây mất ổn định đối với các nền kinh tế thu nhập thấp và trung bình, trừ khi những nền kinh tế này có thể đạt được mức tăng nguồn cung lớn.
Theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ giảm tốc mạnh trong năm nay, từ mức 5,7% trong năm 2021 xuống chỉ còn 2,9%. Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhận định, triển vọng kinh tế toàn cầu xấu đi đáng kể và IMF không loại trừ khả năng suy thoái năm tới.