Chìa khóa thành công
Đạo diễn, NSƯT Trịnh Lâm Tùng, người đứng sau Trạng Quỳnh nhí: Truyền thuyết Kim Ngưu, 1 trong 4 dự án hoạt hình điện ảnh vừa được công bố, chia sẻ: Rất nhiều anh chị em giúp tôi, chắp cánh cho tôi thực hiện ước mơ. Các đồng nghiệp của anh trong 3 dự án: Chiến binh gốm, Wolfoo và cuộc đua tam giới, Zombie mắt lác cũng đang trên hành trình hiện thực hóa ước mơ ấy.
Năm 2023, điện ảnh Việt có phim hoạt hình đầu tiên ra rạp - Wolfoo và hòn đảo kỳ bí. Ông Tạ Mạnh Hoàng, nhà sáng lập, Tổng Giám đốc Sconnect, đơn vị sản xuất phim, nhấn mạnh, dẫu chưa thật thành công về doanh thu nhưng ít nhất nó là cột mốc trong ngành. Cái được lớn nhất là chứng minh Việt Nam đủ năng lực làm những bộ phim hoạt hình đạt chuẩn ra rạp. Không ít khán giả đến rạp dành nhiều tình cảm cho bộ phim và mong muốn có thêm những tác phẩm do người Việt sản xuất. Một trong những cơ sở thành công của bộ phim, là thương hiệu Wolfoo đã là một IP (sở hữu trí tuệ) có tiếng vang và được yêu thích trên toàn thế giới trước khi về Việt Nam.
Mô hình xây dựng IP và hệ sinh thái được hầu hết các nhà làm phim hoạt hình thừa nhận là chìa khóa thành công quan trọng. Đạo diễn Trịnh Lâm Tùng chia sẻ, trước khi bắt tay thực hiện Truyền thuyết Kim Ngưu, anh và ê kíp đã có nhiều năm thực hiện hệ sinh thái Trạng Quỳnh nhí với tổng số hơn 300 video, thu hút trên 600.000 lượt theo dõi cùng hơn 540 triệu lượt xem và khoảng 700.000 lượt tương tác trên các nền tảng mạng xã hội. Anh Đoàn Trần Anh Tuấn, đồng sáng lập Colory Animation, đạo diễn Zombie mắt lác, cũng chia sẻ kế hoạch thực hiện một series phim ngắn trước khi ra mắt phiên bản điện ảnh.
Sconnect hiện có khoảng 20 IP khác nhau, trong đó có 5-6 IP đã nổi tiếng toàn cầu. Ngoài sản xuất các nội dung số, đơn vị này cũng tập trung sản xuất game, xây dựng công viên giải trí, sản xuất sản phẩm đi kèm hay cấp quyền cho các nhãn hàng... Nhân vật Wolfoo đã xuất hiện trong nhiều sản phẩm: sách vở, đồ chơi, bánh kẹo, sữa, quần áo, dầu gội và sữa tắm... Nếu phim nổi tiếng, tất cả nhân vật đều có thể trở thành hình ảnh đại diện nhãn hàng và được thể hiện bằng nhiều hình thức sinh động trên các sản phẩm. Đây là một hướng đi của việc thương mại hóa phim hoạt hình.
Bài học thành công từ IP đã được kiểm chứng qua nhiều thương hiệu đình đám trên thế giới. Bà Vũ Phượng, Giám đốc Đầu tư dự án phim Red Ruby Entertainment, lấy dẫn chứng của bộ phim Inside Out. Khi đó, nhà phát hành đã cấp quyền cho một nhãn hàng trang sức tại Việt Nam. Họ không chỉ có doanh thu từ việc cấp phép này, còn nhận lợi nhuận trên từng sản phẩm bán ra. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Phát hành CGV kiêm Giám đốc Điều hành V Pictures, cũng đồng tình, với những IP đã được phát triển qua vài chục năm như Illumination hay Doraemon, người ta có thể thu tiền lâu dài. Nếu chúng ta có một IP tốt và chiến lược bài bản sẽ có một nguồn thu ổn định. Tuy nhiên, giai đoạn đầu khi đầu tư cho một dự án hoạt hình và xây dựng IP sẽ rất tốn kém về chi phí cũng như quảng bá.
Khó khăn vẫn hiện hữu
Đạo diễn Đoàn Trần Anh Tuấn tiết lộ, tính đến thời điểm này dự án Zombie mắt lác mới chỉ huy động được 30% vốn, gồm tiền cá nhân của anh và một khoản đầu tư bên ngoài. Anh mong muốn con số đầu tư cho dự án dao động 18-19 tỷ đồng, mức tối thiểu để sản xuất không ít hơn 17 tỷ đồng. Dự án hiện đã hoàn thành được khoảng 20% khối lượng công việc. Đề cập đến những khó khăn của việc gọi vốn, đạo diễn Đoàn Trần Anh Tuấn cho biết: Thị trường chưa có tiền lệ phim hoạt hình thành công nên khó thuyết phục nhà đầu tư; kinh phí sản xuất phim hoạt hình phải đạt một mức nhất định nào đó để đảm bảo về mặt chất lượng, ít nhất tương đương phim người đóng. Mong rằng, với những dự án chất lượng được giới thiệu, các nhà đầu tư sẽ nhìn thấy được những mặt tích cực và cân nhắc để tham gia vào thị trường.
Khó khăn hiện hữu khác còn đến từ những vấn đề muôn thuở: kịch bản và nhân sự. Theo ông Mạnh Hoàng, 10 năm qua, bên cạnh việc xây dựng đội ngũ sản xuất, Sconnect còn tạo thư viện kịch bản. Đạo diễn Anh Tuấn đề cập, Việt Nam có nhiều nhân sự giỏi, từng tham gia các phim lớn trên thế giới. Tuy nhiên, thị trường đang thiếu những nhân sự có cái nhìn tổng thể. Chưa kể, những nhân sự giỏi thường có yêu cầu cao, không phải studio nào của Việt Nam cũng đáp ứng được điều đó.
Trong bối cảnh thị trường hiện nay, một trong những giải pháp được các nhà làm phim xác định là phải liên kết, hợp tác. Ông Mạnh Hoàng nhấn mạnh, tầm quan trọng của liên hoan phim hoạt hình lần này là kết nối được các doanh nghiệp trong ngành, cũng như các đối tác đầu tư, phát hành.
Ông NGUYỄN HOÀNG HẢI, Giám đốc Phát hành CGV Việt Nam:
Việt Nam được các studio Hollywood gọi là đất nước của phim hoạt hình, vì hầu hết các phim của Mỹ hay châu Âu phát hành tại đây đều có doanh số tốt. Điều này có được một phần nhờ cơ cấu dân số trẻ và số lượng hộ gia đình đông nhất Đông Nam Á. Đây là thời điểm tạo cơ hội cho chính khán giả Việt được tiếp cận một thị trường đã được Hollywood công nhận, thay vì bỏ lỡ tiềm năng trên chính sân nhà.
Bà VŨ PHƯỢNG, Giám đốc Đầu tư dự án phim Red Ruby Entertainment:
Khi xem xét quyết định đầu tư cho một dự án hoạt hình điện ảnh, tôi sẽ cân nhắc dựa trên 5 yếu tố: nội dung câu chuyện có phù hợp với đối tượng khán giả nhỏ tuổi và gia đình hay không; chi phí sản xuất có hợp lý; chiến lược, thời điểm phát hành và nhiệt huyết của các nhà làm phim.