Chính sách thiếu đồng bộ
Thương mại hóa các nghiên cứu khoa học từ lâu luôn được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành KH-CN. Trong năm 2023, Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam (VAST) đã công bố 2.211 công trình khoa học, trong đó có 1.738 công trình công bố trên các tạp chí quốc tế và 76 bằng độc quyền phát minh sáng chế, bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Nhiều kết quả nghiên cứu được đánh giá cao về khả năng ứng dụng.
Tuy nhiên, PGS-TS Phan Tiến Dũng, Trưởng Ban Ứng dụng và triển khai công nghệ (thuộc VAST), cho biết, việc TMH các nghiên cứu khoa học còn rất khó khăn bởi chính sách chưa đồng bộ, tạo nên rào cản cho việc đưa các kết quả nghiên cứu khoa học vào đời sống.
Cụ thể, Nghị định 70/2018 của Chính phủ về quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH-CN nêu rõ, trước khi TMH cần phải định giá công nghệ, song đây là việc không đơn giản vì Việt Nam hiện chưa có kinh nghiệm về việc định giá loại tài sản công nghệ này. Việc chưa đồng bộ quy định khi TMH kết quả nghiên cứu khoa học giữa Luật Quản lý và sử dụng tài sản công, Luật Khoa học và công nghệ và Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) cũng là rào cản lớn cho quá trình TMH các sản phẩm nghiên cứu.
Tại hội nghị Giám đốc sở KH-CN toàn quốc diễn ra giữa tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ KH-CN đang rà soát, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để sửa đổi, bổ sung các quy định ở cấp nghị định của Chính phủ (Nghị định 95 năm 2014, Nghị định 70 năm 2018) đối với các vấn đề liên quan đến cơ chế đầu tư, tài chính và các vấn đề liên quan đến tài sản trang bị và hình thành trong quá trình triển khai các nhiệm vụ KH-CN. Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, đây là một trong các nhóm vấn đề có tác động rất lớn đến hoạt động của ngành KH-CN, đặc biệt là vấn đề xử lý tài sản. Không giải quyết được nội dung này sẽ gây rất nhiều khó khăn cho việc TMH các kết quả nghiên cứu.
Chấp nhận rủi ro
Trong cuộc họp báo quý 1-2024 của Bộ KH-CN mới đây, bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ KH-CN) cho hay, nội dung về rủi ro trong nghiên cứu khoa học đã được đề cập trong Kết luận số 69-KL/ TW ngày 11-1-2024 của Bộ Chính trị (về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1-11-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển KH-CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ).
Theo đó, Việt Nam sẽ rà soát cơ chế, chính sách để thể hiện được tính đặc thù của KH-CN, bao gồm việc chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học. Quốc hội khóa XV cũng đã giao Chính phủ và các bộ ngành nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách về KH-CN, trong đó có nội dung về việc chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu. “Đặc thù của lĩnh vực KH-CN là nghiên cứu, tìm tòi cái mới. Chúng ta có thể đặt ra một mục tiêu, nhưng trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu lại không đi đến kết quả. Điều này không có gì mới và đã được quốc tế chấp nhận”, bà Ngọc Diệp chia sẻ. Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật KH-CN cũng đưa nội dung quy định liên quan đến việc chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu và mở rộng hơn so với quy định hiện hành.
“Dự kiến quy định mới sẽ miễn trách nhiệm dân sự cho nhà khoa học nếu gây ra thiệt hại, rủi ro cho Nhà nước hoặc đã nghiên cứu, thực hiện đầy đủ quy trình nhưng không đi đến kết quả cuối cùng. Người nghiên cứu có thể không phải bồi hoàn chi phí đã sử dụng”, bà Diệp cho biết thêm.
Theo các chuyên gia, cơ chế chính sách cho hoạt động KH-CN đang có điểm nghẽn. Một trong số đó là việc có chấp nhận hay không về độ trễ, rủi ro trong nghiên cứu khoa học. Ví dụ, khi dùng ngân sách nhà nước nghiên cứu một công trình nào đó, quá trình làm đúng quy định, đúng các bước nhưng không ra được kết quả... được coi là thất bại. Do đó, nếu cơ chế mới được triển khai, điều này được chấp nhận và coi như là “rủi ro trong nghiên cứu khoa học”.