Thương mại điện tử: Thuế khó thu, chậm quản lý

Dù nhiều năm trước, các cơ quan chức năng đã nhìn thấy xu hướng thương mại điện tử là một thị trường lớn, thế nhưng đến nay khi nền công nghiệp 4.0 đã bắt đầu, thương mại điện tử bùng nổ nhưng công tác quản lý của cơ quan nhà nước Việt Nam vẫn còn lẩn quẩn.
Khách hàng sử dụng dịch vụ thương mại điện tử có thể mua nhầm hàng giả, hàng kém chất lượng nhưng không được bảo vệ; nhà nước không thu được thuế… Đến giờ, đề xuất trong dự thảo thông tư mới của Bộ Công thương có vẻ vẫn chưa giải quyết được bức xúc này!
Thương mại điện tử: Thuế khó thu, chậm quản lý ảnh 1 Hoạt động thương mại điện tử chưa được quản lý tốt nên khó thu thuế
 Dễ mua, khó kiện
Số lượng người mua sắm trực tuyến thực tế đã tăng theo từng năm. Các trang mạng bán hàng trong nước, các sàn giao dịch điện tử quốc tế cũng tràn vào, chiếm thị phần lớn thị trường thương mại điện tử trong nước. Người dân chỉ cần gõ tên bất kỳ sản phẩm nào là sẽ có hàng chục, hàng trăm trang bán hàng trực tuyến hiện ra và sẽ được giao hàng tận nhà. Thế nhưng, ngoài các sàn giao dịch thương mại điện tử nổi tiếng như Lazada.vn, Shopee.vn, Sendo.vn, Hotdeal.vn, Zalora.vn, Tiki.vn... thì rất nhiều trang thương mại điện tử khác cũng bán hàng, nhưng người mua phải đánh đổi bằng… niềm tin! Thực tế, hình thức mua sắm trực tuyến cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Khi người mua chỉ nhìn sản phẩm qua hình ảnh thì khó biết được chất lượng, công năng, xuất xứ sản phẩm. Do vậy, nguy cơ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng... rất dễ xảy ra. Đó là chưa kể, nhiều trang bán hàng không uy tín, khách đặt hàng này thì giao hàng khác, hàng kém chất lượng. Các cơ quan tiếp nhận và giải quyết phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng cho biết, các khiếu nại, phản ánh chủ yếu tập trung vào một số vấn đề về hàng được giao không đúng với quảng cáo (về hình dáng, tính năng, công dụng, thông số kỹ thuật...); thông tin sai về xuất xứ hàng hóa, giá bán; giao hàng hư, chậm thời gian theo thỏa thuận… Việc lừa đảo cũng thường xảy ra khi người mua thanh toán tiền xong thì bên bán hàng không giao đúng sản phẩm đã đặt. Nếu dẫn đến tranh chấp, khách hàng không biết khiếu nại ở đâu vì địa chỉ các trang bán hàng không rõ ràng. Nếu mua trên các trang mạng xã hội như facebook thì lúc có tranh chấp, người bán chặn điện thoại, facebook của người mua khiến người mua không liên lạc được. Nói chung, việc mua bán qua mạng hiện nay chưa được quản lý chặt nên các bên giao dịch với nhau bằng niềm tin, hên - xui! Ngoài ra, trên mạng xã hội hiện nay có rất nhiều trang giả, nếu khách hàng không chú ý sẽ dễ thanh toán qua các trang này, bị đánh cắp thông tin hoặc tiền mất tật mang. Cần cẩn trọng với những trang web, thông tin trên mạng xã hội đưa ra quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ giá rẻ, khuyến mãi lớn, trúng thưởng và bắt người tiêu dùng phải đóng tiền thuế, phí để nhận được sản phẩm… Mặc dù, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) nhiều lần đưa ra khuyến cáo với khách hàng mua sắm trực tuyến là không nên mua hàng tại những trang web chưa được cấp phép hoạt động, không có thông tin liên lạc rõ ràng; tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm trước khi mua. Thế nhưng, những khuyến cáo ấy cũng giống như bắt khách hàng phải thông minh thì trong giai đoạn công nghệ phát triển ào ạt, người tiêu dùng khó có thể bắt kịp. Chưa có giải pháp hữu hiệu
Về phía khách hàng, đến nay chưa có luật nào bảo vệ khách hàng mua sắm qua mạng vì hầu hết các trang bán hàng chưa được đưa vào quản lý. Về phía cơ quan nhà nước, công tác quản lý thị trường thương mại trực tuyến quá chậm, công tác thu thuế nhà thầu của các doanh nghiệp nước ngoài cũng chưa thực hiện được. Những tổ chức này có thu nhập tại Việt Nam, nhưng không có cơ quan đại diện tại Việt Nam thì cũng không có chế tài gì để thu thuế. Mặc dù, số thuế thất thu được nhìn thấy hàng ngày qua việc quảng cáo, mua bán, thanh toán qua mạng, nhưng đến giờ các cơ quan nhà nước vẫn chưa đưa ra được giải pháp quản lý nào khả thi. Số người bán hàng qua mạng xã hội có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm - thuộc đối tượng phải chịu thuế - nhưng vẫn không nộp thuế và rất ít đơn vị, cá nhân bị xử lý. Công tác quản lý thuế dành riêng cho hoạt động thương mại điện tử chưa hoàn thiện, nên việc thu thuế chưa thể biết khi nào sẽ được thực hiện. Dù quản lý nhà nước phải bằng biện pháp hành chính, có chế tài thì công tác quản lý, thu thuế thương mại điện tử chỉ dừng ở mức vận động, thuyết mục người kinh doanh tự khai báo là chính. Còn đối với các trang bán hàng quốc tế, dù hoạt động rầm rộ tại Việt Nam nhưng đến giờ vẫn chưa thu được đồng thuế nào, cũng chưa thấy phương án thu thuế nào được đề xuất khả thi trong thời gian tới. Mặc dù Bộ Công thương đang dự thảo thông tư quy định về quản lý website thương mại điện tử, ứng dụng trên thiết bị di động nhưng vẫn chưa có giải pháp gì hữu hiệu trong việc thu thuế. Dự thảo chỉ quy định thương nhân, tổ chức sở hữu website thương mại điện tử, ứng dụng di động có chức năng bán hàng và cung cấp dịch vụ thương mại điện tử phải thực hiện thủ tục đăng ký với Bộ Công thương theo quy định. Và cấm các thương nhân, tổ chức, cá nhân sử dụng website thương mại điện tử, ứng dụng di động để kinh doanh các mặt hàng cấm, mặt hàng cấm quảng cáo như: súng đạn săn, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ; thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác; rượu các loại; thực vật, động vật hoang dã quý hiếm… Những quy định này, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý kinh doanh thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ hiện nay.

Tin cùng chuyên mục