Thương mại điện tử “soán ngôi vương”

Theo đánh giá của Bộ Y tế, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và có khả năng kéo dài. Do vậy, để hàng hóa thiết yếu cung ứng cho người dân không bị gián đoạn, nhiều hệ thống phân phối, doanh nghiệp (DN) đã phát triển mạnh mô hình đặt hàng online và giao hàng tận nhà.
Đơn đặt hàng qua điện thoại tăng mạnh tại hệ thống phân phối, bán lẻ trên địa bàn TPHCM
Đơn đặt hàng qua điện thoại tăng mạnh tại hệ thống phân phối, bán lẻ trên địa bàn TPHCM

Đơn hàng online tăng đột biến

Đại diện Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (VISSAN) cho biết, từ ngày 7-4, công ty đã đưa vào hoạt động dịch vụ đặt hàng và giao tận nhà, nhằm mang đến một giải pháp thiết thực cho người dân thành phố đi chợ trong mùa dịch Covid-19. Theo VISSAN, mô hình này áp dụng tại các quận huyện trên địa bàn TPHCM (trừ 2 huyện Củ Chi và Cần Giờ). Để mua hàng qua hình thức này, khách hàng chỉ cần liên hệ Hotline 19001960, hoặc nhắn tin đến Fanpage www.fb.com/CuaHàngVissan sẽ được nhân viên công ty tiếp nhận đơn hàng và chuyển cho cửa hàng hoặc điểm bán gần địa chỉ khách hàng nhất. Cách thực hiện này giúp việc giao hàng nhanh chóng trong vòng 3 giờ, kể từ khi nhân viên VISSAN liên hệ xác nhận đơn hàng qua điện thoại. 

Về các mặt hàng cung ứng cho chương trình, VISSAN sẽ triển khai áp dụng đặt hàng cho tất cả sản phẩm mang thương hiệu của công ty, bao gồm: thực phẩm tươi sống (thịt heo tiêu chuẩn VietGAP, thịt heo thảo mộc, thịt bò Australia); thực phẩm chế biến (xúc xích tiệt trùng, đồ hộp, lạp xưởng, giò các loại, thịt nguội, chế biến đông lạnh, chế biến khô) và gia vị (hạt nêm). Bên cạnh đó, VISSAN còn cung ứng các sản phẩm thiết yếu khác như trứng, đường, sữa, gạo... nhằm đa dạng các mặt hàng mua sắm của người tiêu dùng.

Trước đó, nhiều hệ thống phân phối lớn như Saigon Co.op, Lotte, Aeonmall… cũng đã phát triển mạnh hệ thống đặt hàng online hoặc mua hàng giúp thông qua việc gọi điện thoại mua hàng. Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), cho biết để tiện việc hạn chế ra ngoài của người dân, rất nhiều hình thức bán hàng online đã được đơn vị áp dụng, như công bố số điện thoại bán hàng online chi tiết từng quận huyện, tăng nhân viên phục vụ kênh mua sắm qua điện thoại. Đơn vị cũng đã bố trí nhân viên tiếp nhận đơn hàng qua Viber, Zalo, hoặc phát phiếu mua hàng đến tận nhà khách hàng. Khách hàng chỉ cần liên hệ với siêu thị thông qua kênh này, siêu thị sẽ “ship” hàng về tận nhà. Một số Co.op Food triển khai dịch vụ đặt hàng và giao hàng tận nhà, chuỗi cửa hàng Cheers thêm nút “mua ngay” trên fanpage để giúp khách hàng có thể mua trực tuyến và được “ship” về tận nhà theo yêu cầu. Bên cạnh đó, những đơn hàng có giá trị trên 200.000 đồng sẽ được miễn phí vận chuyển. Hiện đơn vị có mạng lưới hơn 800 điểm bán hàng phủ đều các phân khúc và trải rộng trên cả nước. 

Chị Nguyễn Thanh Nhiên (ngụ đường Lê Quang Định, quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Việc đặt hàng online rất thuận tiện và dễ dàng. Nếu chọn đặt hàng hệ thống siêu thị Co.opmart thì mình có thể gọi số điện thoại của cửa hàng nào gần nhất để thiết lập đơn hàng cần. Còn nếu không muốn gọi điện thoại, có thể chọn app đặt hàng online của Lotte, Aeonmall, chọn quận huyện nơi khu vực mình sinh sống và thiết lập đơn hàng mà mình cần. Những phần mềm đặt hàng online này cũng hỗ trợ khách hàng lưu lại mặt hàng đã từng đặt để dễ dàng hơn cho những lần đặt sau, mà không cần phải tìm kiếm. Điều này đặc biệt phù hợp và thuận lợi cho việc đặt hàng là các hàng hóa thiết yếu phải đặt hàng từng tuần”. 

Chuyển đổi nhanh để tăng thị phần

Không dừng lại các hệ thống phân phối, DN kinh doanh sản xuất hàng hóa thiết yếu, mà việc đặt hàng và giao hàng online còn đang được nhiều DN ở nhiều lĩnh vực, sản phẩm phát triển mạnh. Với bất kỳ mặt hàng nào, người tiêu dùng chỉ cần tìm kiếm, bấm vào trang có sản phẩm cần, gọi điện thoại hoặc kết bạn Zalo, đơn vị cung ứng sẽ tư vấn tận tình và giao hàng ngay nếu khách hàng đồng ý mua. Ở góc độ khác, nhiều người mua hàng thường có tâm lý lo ngại nếu mua online sẽ mua phải hàng kém chất lượng. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ dần được loại bỏ khi người bán chỉ có thể bán được hàng nếu người mua kiểm tra chất lượng và chỉ thanh toán nếu hàng đạt yêu cầu. 

Đại diện nhiều DN cho biết, các DN cũng không ngừng nâng chất lượng sản phẩm cũng như dịch vụ cung ứng giao hàng tận nhà cho khách hàng. Bởi với công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc tiếp cận hàng hóa trên không gian mạng trở nên hết sức dễ dàng và phổ biến. Người tiêu dùng không chỉ đặt hàng mà còn có thể so sánh giá cả, chất lượng sản phẩm cùng loại. Điều này đặt DN trước sức ép cạnh tranh rất lớn trên thị trường. Do vậy, nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ, cũng như chất lượng hàng hóa là giải pháp để DN phát triển ổn định và bền vững. 

Kết quả nghiên cứu gần đây nhất của Công ty Nghiên cứu thị trường Infocus Mekong Research cho thấy, dịch Covid-19 kéo dài sẽ tác động nhiều đến ngành hàng sản xuất, kinh doanh của DN. Tuy nhiên, ngành thương mại điện tử sẽ có bước tăng trưởng đột phá. “Những lĩnh vực thành công trong năm 2020 sẽ là những dịch vụ mua sắm, giao hàng trực tuyến, thực phẩm đóng gói và tiềm năng là các sản phẩm chăm sóc nhà cửa, vì người tiêu dùng dành thời gian ở nhà nhiều hơn. Trước đó, năm 2019, ngành mua sắm trực tuyến chỉ chiếm khoảng 5% tổng giá trị bán lẻ. Thế nhưng, trong 3 tháng vừa qua, khoảng 76% người tiêu dùng đã mua sắm trực tuyến, nên dự báo tỷ lệ tăng trưởng ngành này đạt trên 20% trong năm nay”, ông Tom Peng, Giám đốc điều hành của Mediastep, nhận định. Sự phát triển mạnh thương mại điện tử được kỳ vọng sẽ giúp việc lưu thông hàng hóa thuận lợi hơn, giảm áp lực sụt giảm kinh doanh cho các DN vốn đang gặp nhiều khó khăn từ khi dịch bệnh xảy ra đến nay.

Nhờ những hình thức đặt hàng linh hoạt và tiện lợi cho người dân mà lượng bán hàng online nhìn chung đã tăng đột biết trong thời gian qua. Chỉ tính riêng tại hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op, từ ngày 16-3 đến nay đã tiếp nhận hơn 20.000 đơn đặt hàng online, trong đó 50% khách hàng đặt thông qua Zalo, Viber. Một điểm đáng chú ý là các đơn hàng tập trung vào thực phẩm, mì gói, nước uống, nước giải nhiệt… với đơn hàng giá trị cao nhất lên tới 10 triệu đồng. Đây được xem là tín hiệu tích cực, cho thấy người tiêu dùng đang chuyển dần thói quen mua sắm từ trực tiếp qua online theo đúng tinh thần mà Chính phủ khuyến khích. 

Tin cùng chuyên mục