Kinh doanh online đã trở thành xu hướng kinh doanh nổi bật và được nhiều công ty, doanh nghiệp (DN) lựa chọn để phát triển, quảng bá sản phẩm. Các đơn vị bán lẻ cũng dần chuyển hướng từ bán hàng truyền thống sang bán online; nhiều bạn trẻ chọn việc khởi nghiệp bằng cách bán hàng qua mạng; có không ít người tiêu dùng đã lâm vào tình trạng nghiện mua sắm online… Đây là tiền đề để thương mại điện tử (TMĐT) “bùng nổ”.
Khi nhà nhà bán hàng trên facebook
Nằm sâu trong một hẻm nhỏ ở đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), tiệm may Q.C. không chỉ được lòng khách từ việc may các loại đầm dạ hội mà còn là nơi gia công rất nhiều loại váy áo cho các shop online. Đối tác chính của tiệm Q.C là 2 cô gái ngoài 20 tuổi rất xinh đẹp, có ngoại ngữ khá tốt. Nhờ lợi thế về hình thể, 2 cô đã nhanh chóng tạo các tài khoản trên Facebook, Viber, Zalo và các trang web riêng để khởi nghiệp. Các sản phẩm chính là hàng thời trang, mỹ phẩm xách tay, giày dép…
Chị Q., chủ tiệm Q.C., kể mỗi khi các nhà mốt hàng đầu thế giới tung ra mẫu váy, áo mới, ngay lập tức các cô gái này “bay” đi nước ngoài để mua cho bằng được, kèm theo đó là tìm các loại vải có họa tiết tương tự. Họ mang về và giao thẳng cho chị Q. “Khi tôi nhận hàng cũng đồng nghĩa phải triển khai cắt may, cả một ê kíp 8 con người làm ngày, làm đêm rồi giao cho đối tác để họ bán cho kịp thời điểm. Đến nay, sản phẩm của tôi may không dừng ở Việt Nam mà còn đến với khách hàng nhiều nước, thông qua các trang mạng bán hàng của 2 cô gái xinh đẹp”, chị Q nói. Chỉ sau 5 năm khởi nghiệp, 2 nữ đối tác của chị Q. đã đạt doanh thu nhiều tỷ đồng từ việc bán hàng qua mạng.
Trên thực tế, có rất nhiều cá nhân khởi nghiệp bằng bán hàng online do không tốn quá nhiều vốn ban đầu và có thể thực hiện ở mọi quy mô (lớn, nhỏ, trung bình) như mong muốn. Một số thống kê không chính thức cho thấy, với số người dùng Facebook tại Việt Nam lên tới hơn 52 triệu người (số liệu tháng 7-2017), chỉ cần 0,5% số tài khoản là người bán hàng, thì đã có tới 260.000 người bán hàng trên Facebook. Còn nếu ước tính 1%, cũng đồng nghĩa có hơn nửa triệu người bán hàng. Cũng từ Facebook, tại Việt Nam đã tạo ra một thế hệ các “doanh nhân Facebook” bán hàng và kiếm tiền rất tốt trên Facebook bằng nhiều hình thức khác nhau.
Còn nhiều rủi ro!
Theo báo cáo về chỉ số TMĐT Việt Nam, được thực hiện bởi Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), năm 2017, tốc độ tăng trưởng TMĐT khá cao. Thông tin từ hàng ngàn website TMĐT cho thấy tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 tăng 35%, khảo sát gián tiếp qua một số doanh nghiệp (DN) chuyển phát hàng đầu thì tốc độ tăng trưởng doanh thu từ dịch vụ chuyển phát từ 62% đến 200%. Đối với lĩnh vực thanh toán, theo thông tin từ Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), năm 2017 tăng trưởng số lượng giao dịch trực tuyến thẻ nội địa tăng khoảng 50% so với năm 2016, trong khi giá trị giao dịch tăng trưởng tới 75%.
Theo đánh giá tổng quan về ngành TMĐT của Bộ Công thương, mức tăng trưởng vào khoảng 25% và có thể được duy trì trong giai đoạn 2018-2020. Trong 4 năm tới, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam được dự đoán có thể đạt tới 10 tỷ USD. Bên cạnh DN, các quỹ đầu tư và tập đoàn nước ngoài cũng tích cực mua cổ phần, bỏ tiền đầu tư cho các sàn và các trang web TMĐT trong nước. Việc tham gia sân chơi tại Việt Nam của các thương hiệu TMĐT lớn như Amazon mới đây sẽ khởi động lại cuộc đua giành thị phần. Theo dự báo từ giới chuyên gia, khả năng đến 2025, TMĐT Việt Nam sẽ vượt qua các nước trong khu vực.
Kinh doanh online có sức hút rất lớn với cả người bán và mua, dẫn đến sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ. Bên cạnh những trang mua sắm thể hiện rõ tính chuyên nghiệp như Lazada, Thegioididong, Sendo, Fado, Shopee, Tiki, Adayroi… được đầu tư bài bản, thì còn một đội ngũ “nhà nhà bán hàng”, dù có quy mô nhỏ lẻ nhưng số lượng lại vô cùng lớn. Đáng chú ý, chi phí từ việc bán hàng qua các trang mạng xã hội là không đáng kể, những chính sách thuế vẫn chưa tác động đến đối tượng này, dẫn đến sự cạnh tranh không công bằng. Thực tế cho thấy, do chi phí thấp dẫn đến giá thành sản phẩm thấp nên mô hình bán hàng qua mạng xã hội vẫn thu hút khách hàng. Trong khi đó, các trang mạng tên tuổi, đầu tư bài bản từ con người đến hệ thống vận hành, đang gặp không ít khó khăn từ các gánh nặng chi phí liên quan. Một trong số đó là chi phí tiếp thị quảng cáo, giữ vai trò then chốt và chiếm khá cao. Ước tính, ngân sách “chạy” marketing cho kế hoạch trong 2 năm đầu của một DN xấp xỉ 2 triệu USD và tính “sống còn” của một trang web TMĐT sẽ được quyết định vào thời gian sau đó. Do vậy, mảnh đất TMĐT dễ chen chân nhưng không dễ phát triển. Hiện có không ít thương hiệu buộc phải rút khỏi thị trường như Beyeu, Deca, Foodpanda...
Để TMĐT phát triển bền vững, khai thác tốt “mỏ vàng”, cơ hội khổng lồ cho một xã hội không tiền mặt, thì rất cần có sự sắp xếp lại để hạn chế tình trạng kinh doanh tự phát, tạo một sân chơi công bằng hơn. Điều quan trọng là phải làm cho nguời tiêu dùng tin tưởng vào chất lượng hàng hóa bán online, khi đó người dân mới có thể đặt mua hàng ở các trang mạng Việt Nam, thay vì phải mua từ Amazon, ebay.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng
Mới đây, Cục Quản lý cạnh tranh đã cảnh báo, hình thức mua sắm online tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng. Có không ít người mua phàn nàn khi nhận hàng không giống với quảng cáo. Một rủi ro khác, đó là nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm rất khó xác định.
Mọi giao dịch được thực hiện trên cơ sở niềm tin, vì vậy, khi gặp người bán không có uy tín, người tiêu dùng sẽ có nguy cơ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Mua sắm online không thể thiếu dịch vụ chuyển phát. Không ít trường hợp, người tiêu dùng đã gặp rủi ro về thời gian giao hàng (giao hàng chậm); hàng nhận được bị vỡ, hỏng; mất hàng; chỉ được mở xem hàng sau khi đã thanh toán…
Nhằm tránh tình trạng “được vạ thì má đã sưng”, người tiêu dùng nên mua hàng tại những trang web uy tín, được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng (địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế). Đồng thời, tìm hiểu kỹ về các điều kiện và điều khoản của trang web cũng như về sản phẩm, dịch vụ.