Trong đại dịch, lượng người chuyển sang mua sắm trên các nền tảng trực tuyến gia tăng. Điều này đã giúp hoạt động mua bán nông sản trên các sàn thương mại điện tử ở châu Phi trở nên sôi động.
Tại Kenya, để tạo điều kiện cho thương mại điện tử và thanh toán di động, ngân hàng trung ương nước này đã yêu cầu miễn tính phí cho các giao dịch có giá trị dưới 10 USD, vốn chiếm 80% giao dịch tại Kenya.
Trong khi đó, ở Rwanda, chính phủ khuyến khích các nền tảng thương mại điện tử kết nối người dân trong thời gian phong tỏa, thực hiện buôn bán nông sản tươi mới từ các trang trại.
Còn tại Nigeria, các nền tảng thương mại điện tử mới đã ra đời nhằm kết nối nông dân với người tiêu dùng, như nền tảng mang tên Farmcrowdy Foods.
Với thương mại điện tử, các chuỗi giá trị nông nghiệp trở nên minh bạch hơn và giảm trung gian so với các hình thức mua bán truyền thống. Nông dân có thể tiếp cận nhiều khách hàng tiềm năng hơn. Các mô hình kinh doanh thương mại điện tử cũng giúp giảm lãng phí thực phẩm vì cho phép nông dân tìm người mua đúng mùa thu hoạch, tăng hiệu quả của thị trường, tiết kiệm thời gian và chi phí, giúp quản lý hiệu quả nguồn tiền và minh bạch trong tài chính.
Tuy nhiên, thương mại điện tử trong nông nghiệp ở châu Phi vẫn đang phải đối mặt với nhiều trở ngại. Đáng kể nhất là tình trạng thiếu phương tiện vận tải ở các vùng nông thôn. Hầu hết các nền tảng online tập trung vào những nông dân ở khu vực ngoại ô của một số ít thành phố lớn. Người nông dân ở vùng sâu vùng xa không được hưởng lợi từ các nền tảng kỹ thuật số này vì chi phí vận tải quá cao.
Bên cạnh đó là thiếu thốn cơ sở logistics và dịch vụ. Các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử ở châu Phi thường phải tự đầu tư mọi thứ, từ nhà xưởng, xe tải đến các chuỗi bảo quản lạnh. Số vốn này làm hạn chế nguồn lực của họ, khiến họ khó mở rộng quy mô trang trại.
Trong khi đó, tại những thị trường đã chín muồi, các công ty thương mại điện tử có thể thuê và sử dụng kho lưu và các dịch vụ logistics với giá cả cạnh tranh. Cuối cùng và cũng là khó khăn lớn nhất khi nhiều nông trại ở châu Phi chưa được tổ chức như công ty hiện đại, cũng không tạo ra đủ sản phẩm để bán hàng quy mô lớn và không đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng như yêu cầu của thị trường. Vì vậy, các công ty thương mại điện tử lớn không tìm được nhà cung cấp đáng tin cậy cho những danh mục sản phẩm trên các nền tảng của mình.
Nói cách khác, thách thức tại châu Phi không phải là thiếu các nền tảng thương mại điện tử mà là một hệ sinh thái thương mại điện tử còn yếu, nhất là về logistics, tài chính và marketing số. Để giải quyết bài toán này, tháng 5-2020, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) đã phối hợp với nền tảng thương mại điện tử Jumia Food, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nền tảng này đến nay đã giúp 2.000 người bán hàng địa phương không chính thức ở 7 khu chợ tại thủ đô Kampala của Uganda tiếp tục bán được sản phẩm qua mạng.
Tháng trước, Tổ chức Lương - Nông Liên hiệp quốc (FAO) và Cơ quan Phát triển Rwanda (RDB) đã công bố chiến lược thương mại điện tử mới mang tên “E-commerce quốc gia về chuỗi giá trị nông nghiệp”, kéo dài 6 năm (từ 2021-2026), được kỳ vọng sẽ giúp tăng khả năng xuất khẩu nông sản của Rwanda. Chiến lược này hướng đến việc thúc đẩy giao dịch buôn bán nông sản qua mạng, qua đó tăng cường khả năng tiếp cận với thị trường của nông dân…