Thương mại điện tử dần dẫn dắt tăng trưởng bán lẻ

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động, lĩnh vực bán lẻ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa và ổn định thị trường. Là đơn vị bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) nỗ lực thích ứng và đổi mới để duy trì vị thế cũng như đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của nền kinh tế.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op kiểm tra hàng hóa tại siêu thị Co.opmart
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op kiểm tra hàng hóa tại siêu thị Co.opmart

PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, về chiến lược phát triển của doanh nghiệp trong năm 2025 và hướng tới sự phát triển bền vững.

* PHÓNG VIÊN: Thưa ông, 2024 là một năm đầy thách thức đối với nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam. Saigon Co.op đã đối mặt và thích ứng với những khó khăn này như thế nào?

* Ông NGUYỄN ANH ĐỨC: Để vượt qua khó khăn, Saigon Co.op đã tập trung tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, kiểm soát chi phí và khai thác hiệu quả các nguồn doanh thu. Nhờ những nỗ lực đó, chúng tôi đạt doanh thu gần 30.000 tỷ đồng, giữ vững lãi gộp, đồng thời mở rộng nguồn thu từ hoạt động cho thuê mặt bằng. Đặc biệt, doanh số từ thương mại điện tử (TMĐT) tăng trưởng gần 50% so với cùng kỳ, đóng góp hơn 10% vào tổng doanh thu; trong khi hàng nhãn riêng Co.op tăng trưởng 7%. Điều này cho thấy mô hình kinh doanh linh hoạt và chiến lược thích ứng phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện đại.

* Trong năm 2025, Saigon Co.op đặt ra những mục tiêu cụ thể nào?

* Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng GDP toàn cầu dự kiến đạt 3,3% năm 2025. Tuy nhiên, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên. Điều này đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là lĩnh vực bán lẻ. Saigon Co.op nhận thức rõ và coi đó là cơ hội để đổi mới, phát triển. Chúng tôi đặt mục tiêu tăng trưởng doanh số từ 4%-6%, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 10%. Saigon Co.op sẽ mở rộng mạng lưới với 154 điểm bán mới. Một trong những trọng tâm chiến lược là phát triển TMĐT, mục tiêu đạt doanh số 3.500 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với năm trước. Điều này không chỉ giúp chúng tôi thích ứng với xu hướng mua sắm trực tuyến mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành bán lẻ Việt Nam trong thời đại số hóa.

* Để đạt được mục tiêu, Saigon Co.op tập trung vào những chiến lược và giải pháp gì?

* Chúng tôi xác định 3 trụ cột chiến lược quan trọng gồm: cấu trúc lại danh mục hàng hóa, phát triển dịch vụ và đổi mới mô hình kinh doanh. Trước tiên, Saigon Co.op sẽ tối ưu hóa cơ cấu hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Bằng việc đẩy mạnh hợp tác với các nhà cung cấp trong nước và quốc tế, chúng tôi đảm bảo sự phong phú về sản phẩm, giữ giá cả hợp lý để duy trì sức cạnh tranh. Thứ hai, chúng tôi tập trung cải thiện trải nghiệm khách hàng thông qua nâng cao chất lượng dịch vụ, tối ưu hóa quy trình vận hành. Các công nghệ mới sẽ được ứng dụng trong quy trình thanh toán, quản lý kho bãi, vận hành logistics để giảm thiểu chi phí. Saigon Co.op sẽ đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng linh hoạt hơn, đáp ứng xu hướng tiêu dùng hiện đại. Chúng tôi sẽ mở rộng mô hình bán lẻ kết hợp online và offline, tối ưu hóa hoạt động TMĐT để khách hàng có thể mua sắm dễ dàng qua nhiều nền tảng.

* Ông có thể chia sẻ về những đề án trọng điểm mà Saigon Co.op sẽ triển khai trong năm 2025?

* Chúng tôi đang triển khai 9 đề án trọng điểm, mỗi đề án hướng đến việc nâng cao hiệu quả kinh doanh và cải thiện trải nghiệm khách hàng. Thứ nhất, Saigon Co.op sẽ đẩy mạnh kinh doanh hiệu quả bằng cách tối ưu hóa hoạt động chuỗi siêu thị, gia tăng doanh số tại các điểm bán lẻ và kiểm soát chặt chẽ chi phí vận hành. Chúng tôi cũng nâng cấp không gian mua sắm, cải thiện môi trường kinh doanh tại các hệ thống siêu thị; cải tổ mô hình Co.op Food và các cửa hàng nhỏ để tăng tính cạnh tranh. Chuyển đổi TMĐT là một trọng tâm, với việc ra mắt nền tảng TMĐT mới trong nửa đầu năm 2025 nhằm tối ưu hóa trải nghiệm mua sắm trực tuyến. Ngoài ra, Saigon Co.op cũng sẽ đầu tư vào dự án công nghệ thông tin, nâng cấp hệ thống logistics, cải tổ danh mục hàng hóa và phát triển quỹ mặt bằng nhằm mở rộng quy mô; tái cấu trúc theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

* Để đảm bảo sự phát triển bền vững, Saigon Co.op có kế hoạch gì nhằm thích ứng với các thay đổi của nền kinh tế và thị trường bán lẻ?

* Chúng tôi chú trọng vào các giải pháp nâng cao hiệu quả vận hành, tăng cường hợp tác với nhà sản xuất trong nước nhằm hỗ trợ hàng Việt phát triển, đồng thời mở rộng chiến lược bán lẻ xanh. Ngoài ra, Saigon Co.op tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, tìm kiếm cơ hội nhập khẩu hàng hóa chất lượng cao, nâng cao tính cạnh tranh của hàng Việt trên thị trường. Nói thêm về chiến lược phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, chúng tôi đã hợp tác với các tổ chức quốc tế và 17 nhà cung cấp từ 6 tỉnh, thành để xây dựng vùng nguyên liệu gắn với mã số vùng trồng, đảm bảo sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và an toàn. Bên cạnh đó, chúng tôi đã triển khai chiến dịch “Tiêu dùng xanh” từ năm 2010, nhằm khuyến khích người tiêu dùng ưu tiên sử dụng các sản phẩm của doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.

* Sự tăng trưởng của Saigon Co.op có đóng góp gì cho việc ổn định thị trường, đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho TPHCM và cả nước?

* Với vai trò là một trong những đơn vị bán lẻ chủ lực, Saigon Co.op luôn đặt ưu tiên vào việc ổn định nguồn cung hàng hóa thiết yếu, đặc biệt trong các dịp lễ, tết. Chúng tôi thường xuyên dự trữ hàng hóa với mức tăng 30%-50% so với các tháng thông thường để đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân. Trong tình huống khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh, chúng tôi luôn có phương án ứng phó để đảm bảo hàng hóa không bị gián đoạn, góp phần ổn định đời sống xã hội và nền kinh tế.

* Saigon Co.op có định hướng gì trong việc hỗ trợ hàng Việt Nam và đưa sản phẩm nội địa đến gần hơn với người tiêu dùng?

* Chúng tôi luôn ưu tiên và tạo điều kiện thuận lợi để các HTX, nhà cung cấp trong nước đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ. Hiện nay, hệ thống của chúng tôi phân phối hơn 130 sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) từ nhiều tỉnh, thành như: TPHCM, Đồng Nai, Tây Ninh, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Đắk Nông, Kiên Giang, Thanh Hóa, Hà Nội, Thái Nguyên... Việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP không chỉ thúc đẩy kinh tế địa phương mà còn góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam thông qua các sản phẩm truyền thống.

Với chiến lược phát triển rõ ràng, Saigon Co.op không chỉ củng cố vị thế trong ngành bán lẻ mà còn đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của TPHCM và cả nước. Những nỗ lực này không chỉ giúp doanh nghiệp thích ứng với bối cảnh thị trường mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục