Thương hoài vị Tết xưa

Những ngày gần cuối năm, tôi cảm nhận rõ ràng lòng người đang nôn nao hối hả. Tiếng xe cộ và cả tiếng người gọi nhau í ới khiến những kẻ tha hương như tôi xốn xang vô bờ. Thỉnh thoảng đi qua mấy con ngõ, ngửi thấy mùi hăng hăng từ khói bếp, ký ức như dòng chảy đưa tôi về căn nhà xưa. Có ba có mẹ, có những món ngon và có cả hương vị của tình cảm gia đình nồng ấm ngày tết.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Tôi thích không khí của những ngày cận tết. Bởi những ngày này mẹ sẽ tất bật nấu nướng đủ món ăn ngon. Mẹ sẽ làm nào bánh, nào mứt, nào thịt kho tàu... Mùi hương của chúng bay khắp nhà làm tụi trẻ con chúng tôi ngồi thèm nhỏ dãi.

Món đầu tiên và cũng hao cơm nhất ngày tết là thịt kho tàu. Mẹ tôi chọn thịt ba chỉ vừa có nạc vừa có mỡ, rửa sạch, sau đó thái thành những miếng vuông vức. Xong việc, mẹ ướp vào đó tỏi ớt băm nhuyễn, thêm chút đường phèn, sa tế cho thấm rồi đem xào săn, thêm nước của hai quả dừa rồi đun từ từ khoảng một đến hai tiếng. Nước dừa không chỉ giúp thịt có vị ngọt dịu tự nhiên, thơm mềm mà khi sắc lại, nó còn tạo thành một màu vàng nâu hấp dẫn. Thỉnh thoảng mẹ mở vung, đảo đều tay để thịt thấm gia vị. Chị em chúng tôi ngồi bên cạnh vừa hít hà mùi thơm, vừa nhìn chằm chặp vào nồi thịt màu cánh gián. Chúng tôi liếc nhìn mẹ, rồi lại hướng về phía nồi thịt với đầy vẻ mong chờ và háo hức. Mẹ thấy thế cười hiền, gắp vào chén vài miếng thịt rồi bảo: “Ăn đi, lần này chứ lần sau là không được vậy nữa nghe con.” Chị em chúng tôi khấp khởi vui mừng, dạ rõ to rồi bưng chén chạy đi. Nước sốt đỏ au óng ả quyện vào miếng thịt bóng bẩy, ăn vào miệng thơm lừng, béo ngậy khiến chúng tôi cứ muốn ăn hoài.

Trong lúc chờ nồi thịt kho mềm rục, mẹ bắt tay vào làm mứt. Mứt tết đủ vị, riêng mẹ tôi năm nào cũng chỉ làm mứt cà rốt. Cà rốt mẹ gọt sạch vỏ, cắt thành hình hoa rồi ngâm một tiếng với nước vôi trong, sau đó rửa sạch với nước lạnh rồi để ráo. Xong xuôi, mẹ ướp đường với cà rốt đến khi đường tan chảy rồi bắc lên chảo sên. Để lửa vừa, mẹ dùng đũa đảo đều tay đến khi miếng mứt khô, bên ngoài áo một lớp đường cam cam là xong. Mẹ rải mứt ra tờ báo cũ cho nguội rồi lại làm mẻ khác. Hồi nhỏ, tôi không biết vì sao mẹ cứ làm mãi một loại mứt cà rốt. Có lẽ một phần vì mẹ tôi bán hàng rau, những củ cà rốt xấu xí, sứt vẹo không ai mua nên mẹ đem về làm mứt tết. Mẹ nói với tôi không nên xem vẻ bề ngoài mà đánh giá bên trong, củ nào càng xấu xí thì lại càng ngon ngọt. Cũng như con người, không nên nhìn vào vẻ bề ngoài mà phải nhìn vào sâu tâm hồn họ mới biết được tốt xấu. Quả là vậy, qua bàn tay mẹ, củ cà rốt xấu xí không ai mua trở thành những miếng mứt vàng cam, mềm mềm ngon ngọt mà trẻ con tụi tôi không thể chối từ.

Chuẩn bị xong mứt, mẹ tôi lại quay qua gói bánh tét. Người lớn, trẻ con quây quần vui không thể tả. Nào lá chuối, lá dong, nào gạo nếp, đậu xanh, thịt ba chỉ… đầy cả chiếu. Chị em chúng tôi không biết làm, ngồi chồm hổm quanh chiếu xem ba mẹ gói bánh, phụ việc lặt vặt và háo hức đợi được gói cho một chiếc bánh tét con con.

Ba tôi lấy hai miếng lá chuối vuông vắn xếp chồng lên nhau, rải lên một tầng gạo nếp, thêm nhân đỗ xanh, gắp vài miếng thịt ba chỉ đã ướp, rải thêm một lớp đỗ và gạo nếp nữa rồi cuộn tròn lại, cắt bỏ những lá chuối thừa rồi dùng sợi giang buộc cho vuông vắn. Nhìn ba nhìn mẹ thoăn thoắt đôi tay, chị em chúng tôi cứ tưởng gói bánh tét cũng đơn giản, thế nhưng hễ sờ tay vào thì cái bánh lại méo xềnh xệch, chả được tròn đẹp như bánh của ba mẹ. Nhìn chiếc bánh méo xệch, cả nhà được dịp cười vang.

Đêm 29, 30 Tết, chúng tôi trải chiếu nằm quanh bếp. Những đòn bánh tét đều tăm tắp được mẹ xếp vào trong chiếc nồi lớn sôi ùng ục, lửa hồng rực kêu lách tách, mùi gạo nếp với nhân hòa quyện vào nhau thơm nồng ấm áp cả tuổi thơ tôi.

Lớn lên qua bao mùa xuân, cuộc sống tôi giờ đây sung túc đủ đầy nhưng vị tết xưa vẫn vương vấn mãi trong ký ức. Có lẽ, vị tết thiêng liêng ấy là hơi ấm gia đình - nơi có ba mẹ hiền từ, nơi có đàn em thơ ngây, nơi có những kỷ niệm tuổi thơ tôi luôn mãi nhớ. Để rồi những ngày cuối năm, lòng tôi lại nôn nao, mong ngóng ngày trở về. Bởi hương xưa Tết cũ vẫn luôn là dư vị bình yên mà cả đời tôi trông ngóng.

HUYỀN NGUYỄN

Hội An, Quảng Nam

Tin cùng chuyên mục