Ông Philip Kotler - người được gọi là cha đẻ của ngành marketing hiện đại từng tuyên bố: “Người dẫn đầu thị trường là người chiếm trên 40% thị phần”. Thế nhưng, đối với vàng miếng SJC thì thị phần đã vượt quá con số này ngay từ đầu thập niên 90. Hiện nay, nhãn hiệu SJC được người Việt Nam yêu mến sử dụng như một loại tiền tệ có giá trị thực sự.
- Khởi nguồn thương hiệu SJC

Vào cuối thập niên 80 của thế kỷ 20, cả nước chưa thoát khỏi hậu quả của cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm, kinh tế gặp nhiều khó khăn, lạm phát phi mã, hệ thống ngân hàng chưa phát triển… Lúc đó tiền rất khan hiếm, vàng là loại hàng bán lấy tiền nhanh nhất. Hoàn cảnh cả nước như vậy nên từ lâu đã hình thành trong dân thói quen sử dụng vàng cho mọi giao dịch có giá trị và cất trữ, từ mua bán nhà đất, xe cộ đến máy móc, tàu thuyền.
Tuy nhiên, do chưa định hình một chuẩn mực giao dịch gây nên tình trạng bất ổn mỗi vùng, mỗi tỉnh có một “quy ước” tuổi vàng khác nhau: 96%, 98%, 99%, 99.9% dẫn đến khó khăn trong việc cân đo trọng lượng, tuổi vàng trong trao đổi, mua bán, thanh toán. SJC đã ra đời là từ đó, ngay sau khi UBND TPHCM ra quyết định thành lập Công ty Vàng bạc Đá quý thành phố - SJC vào ngày 17-9-1988.
Tháng 6-1989, sản phẩm vàng miếng SJC ra đời trong điều kiện bị cấm vận nên việc sản xuất gặp nhiều khó khăn, không thể nhập thiết bị máy móc. Cả tập thể SJC nỗ lực hết mình nghiên cứu, nhập vàng nguyên chất 99,99 từ nước ngoài và gia công bằng phương pháp dập cơ khí để tạo ra loại vàng đúng tiêu chuẩn.
Sản xuất đã khó, làm cho người tiêu dùng chấp nhận sản phẩm còn khó hơn. Ban lãnh đạo công ty trực tiếp cùng đội ngũ kinh doanh đến từng tiệm vàng thuyết phục họ bày bán sản phẩm vàng miếng Rồng Vàng SJC. Sự chuẩn mực về chất lượng tuổi vàng và trọng lượng cùng sự thuận tiện khi giao dịch đã nhanh chóng được thị trường chấp nhận.
Theo số liệu thống kê của Hội đồng Vàng thế giới, SJC hiện đang nắm giữ thị phần trên 80% thị trường vàng miếng, sản phẩm có mặt tại hơn 5000 cửa hàng kinh doanh vàng bạc; trên 11 triệu sản phẩm đã và đang lưu hành trong nước, các nước láng giềng như Lào, Campuchia, Trung Quốc; xuất khẩu trên 100 triệu USD ra nước ngoài. Vàng miếng SJC đã ghi tên trong 2 Kỷ lục Việt Nam: “Thương hiệu vàng miếng có thị phần lớn nhất Việt Nam” và “Doanh nghiệp vàng bạc đá quý có doanh số cao nhất Việt Nam” (1,5 tỷ USD năm 2007 và dự kiến vượt qua 2 tỷ USD trong năm 2008). SJC vinh dự đứng vào hàng ngũ 25 doanh nghiệp đầu tiên đạt chuẩn thương hiệu quốc gia (2008) do Chính phủ công nhận; 3 lần liên tiếp (năm 2006, 2007, 2008) nhận giải Bạc trong TOP 3 nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam; nằm trong danh sách 500 nhà bán lẻ hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương.
- Thành công từ uy tín

Vàng SJC loại 1 kilogram
Yếu tố thành công đầu tiên chính là việc SJC sử dụng nguyên liệu đầu vào hoàn toàn bằng vàng tiêu chuẩn quốc tế 99,99 của Thụy Sĩ ngay trong mọi sản phẩm. Tiếp theo là việc ứng dụng công nghệ mới nhất của thế giới để sản xuất ra “hàng triệu miếng vàng như một”, độ chính xác về sai số trọng lượng vàng miếng SJC (0,005%) thấp hơn cả vàng tiêu chuẩn của Thụy Sĩ.
Các loại vàng miếng từ 1 chỉ, 2 chỉ đến 5 chỉ, 1 lượng lần lượt ra đời và tất cả sản phẩm này đều mang nhãn hiệu SJC Bông Hồng (đến nay không còn sản xuất nữa mà được đổi thành nhãn hiệu “Rồng Vàng SJC” từ năm 1989).
SJC là doanh nghiệp tiên phong trong việc chuyển đổi từ sản xuất thủ công (đúc khuôn) sang dây chuyền dập hiện đại. Năm 1992, công ty đầu tư dây chuyền sản xuất vàng miếng theo phương pháp ép thủy lực tạo ra miếng vàng mới đẹp, sắc sảo hơn.
SJC cũng là doanh nghiệp đầu tiên ứng dụng ISO 9001: 2000 trong sản xuất vàng miếng năm 2003, tiếp là ISO 9001:2001 trong năm 2007. Đến năm 2008, SJC đã có 3 xưởng sản xuất trong nước (tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) có thể đáp ứng được 20.000 miếng vàng/ngày - sản lượng cao nhất trong ngành. Điều đó đồng nghĩa SJC có thể cung cấp cho khách hàng bất kể thời điểm nào với số lượng không hạn chế.
Sự tiện dụng trong giao dịch, vận chuyển, cất trữ đã được SJC nghiên cứu rất kỹ, các miếng vàng được nối với nhau thành dây, một dây vàng 1 lượng SJC là 14 miếng, dây vàng loại 1 chỉ và 5 chỉ có 12 miếng, dây vàng loại 2 chỉ có 16 miếng. Với số lượng đơn vị và kết cấu dây liên kết như vậy, người tiêu dùng đóng gói dễ dàng và vận chuyển gọn nhẹ, bảo quản an toàn rất hiệu quả.
Với sự đột phá về kiểu dáng, bao bì an toàn tiện dụng và chất lượng ổn định, vàng miếng SJC ngay khi ra đời đã nhanh chóng được người tiêu dùng biết đến như một lựa chọn mới, làm nên sự khác biệt để thay cho tất cả loại vàng lưu hành trước đó, được công nhận là một loại tiền tệ giao dịch, cất trữ, luân chuyển và đầu tư trên cả nước trong suốt 20 năm. Tính đến năm 2008, vàng miếng SJC có mặt trong tất cả giao dịch vàng của ngân hàng, cửa hàng kinh doanh vàng bạc và cất trữ với số lượng lớn trong cộng đồng dân cư cả nước.
- Sẵn sàng cạnh tranh
Cho đến năm 2008, cả nước có thêm một số doanh nghiệp được phép sản xuất và kinh doanh vàng miếng, với các bản vị loại chỉ, lượng và kilo. Nhiều doanh nghiệp có khả năng gia công vàng trên dây chuyền hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế và sản phẩm vàng miếng đã được tiêu chuẩn hóa (từ nguyên liệu, công nghệ và quản lý chất lượng).
Thế nhưng, lợi thế của SJC là người tiêu dùng ngày nay vẫn coi vàng miếng SJC là một phương tiện cất trữ, đầu tư sinh lợi hấp dẫn và lâu dài (với mức đầu tư hiệu quả có lúc trên cả chứng khoán và địa ốc). Sàn giao dịch vàng đầu tiên trong nước năm 2007 và nhiều sàn giao dịch khác cũng lấy vàng miếng SJC làm đơn vị giao dịch.
"Kinh doanh vàng thực chất là kinh doanh uy tín thể hiện trong chất lượng, trong cam kết với khách hàng, trong giá cả và trong giao dịch… Do vậy bất cứ trường hợp nào, dù giá vàng lên hay xuống, biến động bất thường chăng nữa thì SJC vẫn luôn tôn trọng cam kết. Đây là yếu tố cốt lõi tạo nên danh tiếng và giá trị cho hình ảnh vàng miếng Rồng Vàng SJC.” |
Năm 2007, SJC chính thức đưa vào hoạt động kho ngoại quan vàng đầu tiên tại TPHCM, rút ngắn thời gian dịch, giảm tối đa ảnh hưởng từ biến động giá trên thị trường vàng nội địa và thế giới, đảm bảo an toàn cho khách hàng.
Kho ngoại quan vàng hoạt động như một nơi tích trữ vàng của nhà cung cấp quốc tế tại Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung ứng, dự trữ, kinh doanh vàng giữa các đối tác quốc tế với đơn vị nhập khẩu vàng trong nước. SJC đã hợp tác chặt chẽ với nhiều ngân hàng trong cả nước như Eximbank, Việt Á, ACB, Phương Đông, Sacombank, VIBank… trong nhiều hoạt động đào tạo, kiểm định, gia công sản xuất, cung ứng và tiếp thị.
Thị trường kinh doanh vàng còn nhiều khoảng trống và thử thách để SJC vươn tới. SJC sẽ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, mở rộng hệ thống phân phối và dịch vụ khách hàng. Những kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển thương hiệu vàng miếng SJC là nền tảng để sản phẩm này ổn định và vươn xa hơn nữa.
TRẦN HUY NHÂN