Thương hiệu Quốc gia Vinamilk: Hành trình phát triển tầm quốc tế

Gần 50 năm phát triển từ việc tiếp quản 3 nhà máy cũ sau khi đất nước thống nhất, Vinamilk đã trở thành biểu tượng của ngành sữa Việt Nam. Trong hành trình ấy có vai trò lãnh đạo chiến lược, bền bỉ và quyết đoán của Tổng Giám đốc Mai Kiều Liên  cho những bước đi mang tính quốc gia và hội nhập quốc tế của Vinamilk, đưa thương hiệu sữa Việt Nam ra thế giới, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của TPHCM và đất nước.

Bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk
Bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk

Từ gian khó đến vị thế dẫn đầu

Vinamilk được thành lập năm 1976, trong bối cảnh đất nước đang gồng mình khắc phục hậu quả chiến tranh. Nền kinh tế bao cấp khiến việc phát triển sản xuất phải “vừa đi, vừa mở đường”. Với 3 nhà máy cũ được tiếp quản, sản lượng sữa chỉ khoảng 8 triệu hộp mỗi năm, mục tiêu khi ấy là đáp ứng nhu cầu cơ bản cho trẻ em và bệnh viện.

Giai đoạn khó khăn ấy cũng là lúc bà Mai Kiều Liên, một kỹ sư công nghệ sữa được đào tạo bài bản tại Liên Xô, bắt đầu hành trình gắn bó với Vinamilk. “Hoạt động của Vinamilk trong gần 50 năm nay luôn đặt chất lượng lên đầu tiên. Từ trước đến giờ, nguyên tắc của Vinamilk là làm cái gì cũng phải tốt nhất, chất lượng đạt chuẩn quốc tế”, bà từng chia sẻ, như một kim chỉ nam được duy trì qua mọi thời kỳ.

Thách thức lớn nhất đến vào cuối thập niên 80, đầu những năm 1990 của thế kỷ trước, khi nền kinh tế mở cửa và thị trường Việt Nam chứng kiến làn sóng sữa ngoại tràn vào. Trong khi đó, nội lực sản xuất trong nước còn yếu, nguồn nguyên liệu gần như lệ thuộc nhập khẩu. Trước áp lực đó, Vinamilk đã khôi phục Nhà máy Sữa bột Dielac vào năm 1989, đồng thời chủ động phát động “cuộc cách mạng trắng”- một chiến lược lớn để xây dựng vùng nguyên liệu nội địa, phát triển hệ thống trang trại chăn nuôi bò sữa.

“Chúng tôi phải tự tìm đường, từ việc hợp tác với nông hộ chăn nuôi, đầu tư trang trại, đến xây dựng nhà máy hiện đại. Tất cả đều xuất phát từ mục tiêu tự chủ và nâng chuẩn chất lượng sữa Việt”, bà Liên nói.

Không dừng lại trong nước, năm 1997, Vinamilk thực hiện lô hàng xuất khẩu sữa đầu tiên sang Iraq. Khi đó, nhiều người còn nghi ngờ khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt. Nhưng bà Liên khẳng định: “Tôi tin rằng công ty làm được, bởi chất lượng sữa của Vinamilk thực sự không thua kém gì của các nước bạn”.

Từ lô sữa xuất khẩu đầu tiên ấy, sản phẩm Vinamilk đến nay đã có mặt tại hơn 63 thị trường, với tổng kim ngạch xuất khẩu vượt 3,4 tỷ USD. Năm 2024, Vinamilk trở thành doanh nghiệp sữa Việt Nam duy nhất có tên trong danh sách Fortune 500 Đông Nam Á, đồng thời xếp hạng Tốp 6 thương hiệu sữa giá trị nhất toàn cầu theo Brand Finance.

Chiến lược bền vững gắn với cộng đồng và quốc gia

Song hành với việc mở rộng quy mô và thị trường, bà Liên cùng Vinamilk luôn chú trọng và tiên phong phát triển bền vững - là hướng đi chiến lược. Doanh nghiệp kiên định theo đuổi các mục tiêu dài hạn như Net Zero 2050, giảm phát thải carbon trong chuỗi sản xuất, đồng thời mở rộng các chương trình vì cộng đồng như “Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam” (trao hơn 42 triệu ly sữa cho trẻ em khó khăn), “1 triệu cây xanh cho Việt Nam”...

Thành công của doanh nghiệp không chỉ nằm ở các con số kinh doanh, mà còn ở các giá trị mang đến cho cộng đồng, đất nước, cán bộ nhân viên, người lao động cũng như các đối tác, khách hàng”, bà Liên luôn khẳng định

BÀ MAI KIỀU LIÊN, Tổng Giám đốc Vinamilk

Năm 2023, Vinamilk có một bước chuyển mình toàn diện khi tái định vị thương hiệu. Đến năm 2024, thương hiệu đã tung sản phẩm mới và tái giới thiệu 125 sản phẩm, trong đó có nhiều dòng áp dụng công nghệ tiên tiến lần đầu tiên tại Việt Nam. Nổi bật là việc bổ sung đến 6 loại HMO (dưỡng chất quý trong sữa mẹ) vào sữa công thức, công nghệ siêu vi lọc từ Thụy Điển và công nghệ hút chân không kép nhằm giữ trọn dinh dưỡng và nâng chuẩn toàn ngành sữa nội địa.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào sản phẩm và con người, mở rộng quy mô chuyển đổi số và ứng dụng sâu hơn các công cụ hiện đại vào dự báo và ra quyết định. Sáng tạo là sống còn. Phải luôn đổi mới, đi đầu trên thị trường”, Tổng Giám đốc Mai Kiều Liên chia sẻ về định hướng tương lai.

Tại TPHCM, nơi đặt trụ sở chính, Vinamilk có 3 nhà máy, một trung tâm kho vận, một phòng khám và một trung tâm thu mua nguyên liệu. Doanh nghiệp tạo việc làm cho hơn 2.200 lao động, đồng hành cùng hơn 2.000 hộ nông dân tại Củ Chi. Từ năm 2004 đến quý 1-2025, tổng đóng góp của Vinamilk (gồm cả các công ty con tại Việt Nam) cho ngân sách cả nước là 63.712 tỷ đồng và cho ngân sách TPHCM là 19.750 tỷ đồng. Con số này phản ánh chân thật trách nhiệm tài chính và xã hội bền vững của doanh nghiệp với địa phương và đất nước.

Gần 50 năm hình thành và phát triển, Vinamilk không chỉ là thương hiệu quốc gia mà còn là hình mẫu cho một doanh nghiệp Việt Nam hội nhập vững vàng. Trong hành trình đó, vai trò của bà Mai Kiều Liên luôn gắn bó mật thiết, không chỉ quản trị điều hành, mà còn ở tầm nhìn chiến lược, kiên định với mục tiêu xây dựng nội lực quốc gia.

Chính sự nhất quán trong tư duy “tự chủ - quyết liệt - thiện tâm” đã giúp Vinamilk trở thành niềm tin của hàng triệu gia đình Việt và là đại diện tiêu biểu cho doanh nghiệp Việt trên bản đồ kinh tế toàn cầu.

CQ9A3535.jpg
Vinamilk sở hữu 15 trang trại công nghệ cao và 16 nhà máy sữa hiện đại trong và ngoài nước

Tin cùng chuyên mục