Vinh danh 50 doanh nghiệp tiêu biểu
Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TPHCM, cho biết, năm 2025 đất nước có nhiều sự kiện quan trọng, trong đó có sự kiện kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là sự kiện để nhắc nhở chúng ta về tinh thần quyết chiến, quyết thắng và tri ân sự hy sinh của bao thế hệ người Việt trong một giai đoạn lịch sử khốc liệt nhưng vẻ vang để thống nhất toàn vẹn Tổ quốc, thể hiện khát vọng độc lập, hòa bình của dân tộc Việt Nam.
Trong chuỗi các hoạt động chào mừng đại lễ, Thành ủy, UBND TPHCM đã chỉ đạo tổ chức các chương trình bình chọn như 50 tác phẩm tiêu biểu lĩnh vực văn học nghệ thuật; 50 công trình xây dựng tiêu biểu; 50 nhân vật tiêu biểu; 50 sự kiện tiêu biểu… Trong đó, Sở Công thương TPHCM được lãnh đạo thành phố giao chủ trì phối hợp sở ban ngành, cơ quan báo đài và các đơn vị liên quan tổ chức Chương trình bình chọn 50 DN tiêu biểu có thương hiệu và sản phẩm chủ lực của TPHCM.
“Chương trình nhằm tôn vinh DN tiêu biểu đã gắn bó, đồng hành với sự hình thành và phát triển, đóng góp tích cực, nổi bật vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố trong thời gian qua. Từ đó sẽ khuyến khích DN cải tiến, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa có mức độ cạnh tranh ngày càng lớn, phát triển bền vững, vừa đóng góp cho nền kinh tế vừa đảm bảo về mặt an sinh xã hội, bảo vệ môi trường”, bà Lê Nguyễn Duy Oanh cho biết.
Sở Công thương TPHCM đã đưa ra bộ tiêu chí xét chọn. Đối tượng là DN hàng đầu tại TPHCM, có thương hiệu và sản phẩm chủ lực, gắn bó với quá trình hình thành và phát triển của thành phố; DN được thành lập tối thiểu 10 năm đối với lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, 5 năm đối với lĩnh vực nông nghiệp và phải được các hội ngành nghề, sở, ngành đề cử. DN phải đáp ứng các tiêu chí chương trình, đạt tổng điểm từ 70% số điểm trên tổng số điểm quy định (500 điểm).
Trong đó, phải đạt tối thiểu 50% số điểm tại mỗi tiêu chí chung về kết quả kinh doanh và truyền thông; đổi mới sáng tạo; các yếu tố môi trường - xã hội - quản trị (ESG), được hội đồng bình chọn và được người tiêu dùng yêu thích. Lễ tuyên dương DN tiêu biểu được tổ chức vào tháng 4-2025.
Ông NGUYỄN NGỌC HÒA - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA):
Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu tầm quốc tế
UBND TPHCM đã chỉ đạo HUBA và các đơn vị liên quan triển khai xây dựng thương hiệu một số DN lớn mang tầm quốc gia và toàn cầu. Chủ trương này rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh DN Việt đang tìm kiếm và khai thác nhiều thị trường mới.
Thực tế cho thấy, thương hiệu đã và luôn có sức mạnh mềm, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của công chúng, định hình hành vi tiêu dùng, thúc đẩy ý thức trách nhiệm cộng đồng, hướng tới những thay đổi quan trọng trên thế giới. Với những đầu tư lớn vào các đổi mới sáng tạo về sản phẩm dịch vụ đi kèm với các chiến dịch quảng bá rộng khắp, các thương hiệu đã thay đổi hành vi tiêu dùng và tạo ra những xu hướng sống mới.
Phát triển thương hiệu không chỉ giúp DN tăng doanh số mà còn tạo niềm tin bền vững, mở rộng thị trường và khẳng định vị thế trên thị trường. Đây chính là nền tảng quan trọng để DN phát triển bền vững trong dài hạn.
Ông TRẦN VĨNH PHƯỚC - Phó Tổng Giám đốc Công ty Thang máy Thiên Nam:
Phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ
Công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đây là lĩnh vực cung cấp các sản phẩm, linh kiện, dịch vụ cần thiết cho các ngành sản xuất chính như ô tô, điện tử, dệt may và cơ khí chế tạo. Do vậy, thành phố cần thiết kế các chương trình hỗ trợ vốn vay ưu đãi hoặc miễn giảm thuế cho các DN đầu tư vào phát triển thương hiệu, cải tiến sản phẩm.
Bên cạnh đó, tổ chức các chương trình đào tạo, tư vấn về xây dựng thương hiệu, chiến lược marketing và quản trị DN. Xây dựng các sàn giao dịch, hội chợ xúc tiến thương mại để DN ngành công nghiệp hỗ trợ có cơ hội quảng bá thương hiệu, kết nối với các đối tác lớn trong và ngoài nước. Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Việc thành phố đưa ra các chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực sẽ là nền tảng để DN công nghiệp hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu bền vững, không chỉ là giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế địa phương và quốc gia.
Tài sản quý giá của doanh nghiệp
Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM, cho rằng, thương hiệu chính là nội lực mềm, là tài sản quý giá của mỗi DN. Nếu xây dựng và phát triển được thương hiệu mạnh sẽ giúp DN gia tăng năng lực cạnh tranh một cách đáng kể, từ đó có cơ hội phát triển tại thị trường trong nước và tiềm năng khai thác ở thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu Việt không dừng ở chỗ DN đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã sáng tạo mà còn cần có sự tham gia của các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc xác lập, chứng nhận và tôn vinh thương hiệu cho DN. Đây cũng là cơ sở tin cậy, góp phần hỗ trợ DN khẳng định thương hiệu, bản sắc, vị thế của mình trên phạm vi toàn cầu.
Khảo sát của Viện Quản trị chính sách và chiến lược phát triển tại Việt Nam cho thấy, tỷ lệ DN Việt xây dựng và phát triển thương hiệu vẫn chưa đạt đến 30% và có sự chênh lệch đáng kể giữa các DN sản xuất và DN thương mại. Trong đó, có khoảng 20% DN đầu tư vào xây dựng thương hiệu nhưng chỉ đăng ký thương hiệu trong nước, chưa đăng ký thương hiệu tại thị trường nước ngoài. Tỷ lệ này ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững của DN Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Dễ nhận thấy nhất là phần lớn hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường thuộc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... vẫn mang thương hiệu nước ngoài. Hệ quả là giá trị gia tăng thu về chưa tương xứng, DN dễ bị tổn thương khi thị trường có biến động.
“Cùng là sản phẩm gạo, nếu xuất khẩu vào thị trường châu Âu bằng thương hiệu, giá 1kg gạo có thương hiệu có thể đạt 70.000-150.000 đồng/kg. Ngược lại, nếu xuất gạo thô thì chỉ ở mức trên dưới 15.000 đồng/kg”, bà Linda Trần, Giám đốc kinh doanh Công ty Sunrise Ins, nêu dẫn chứng.
Sức mạnh của thương hiệu có thể tạo ra tác động mãnh liệt hơn khi thương hiệu có thể dẫn dắt thay đổi thói quen, hành vi người tiêu dùng hướng đến lối sống và tiêu dùng bền vững. Chỉ khi có sự chuyển đổi hành vi tiêu dùng sâu và rộng, trọng tâm chiến lược phát triển bền vững mới được hiện thực hóa và việc chuyển đổi mới có tác động kinh tế cả theo chiều rộng lẫn chiều sâu.
Do vậy, gia tăng nội lực sản xuất, cạnh tranh của DN Việt, hàng Việt trong nước trước làn sóng ồ ạt của hàng ngoại nhập là điều rất cần thiết. Và đó cũng là lý do cần phải triển khai hỗ trợ DN Việt xây dựng thương hiệu.
Theo thông cáo của ban tổ chức, thời gian nhận hồ sơ đăng ký trực tuyến tham gia bình chọn: từ ngày 18-12-2024 đến 15-1-2025. Thông tin, mẫu hồ sơ đăng ký được đăng tải trên website: https://dangky.50doanhnghieptieubieutphcm.vn
Hồ sơ bản giấy gửi về Sở Công thương TPHCM (Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ, lầu 10, số 163 đường Hai Bà Trưng, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TPHCM); hồ sơ bản mềm cập nhật tại website: https://dangky.50doanhnghieptieubieutphcm.vn