Còn trước mắt, người tiêu dùng đang bị móc túi bởi những chiến thuật “ma trận kinh doanh” của các hãng ô tô.
Sống khỏe nhờ lắp ráp
Cùng với việc các dòng ô tô nhập khẩu không chịu thuế chỉ đổ về nhỏ giọt và giá cao ngất ngưỡng, hầu hết các hãng ô tô vẫn “ăn nên làm ra”, sản lượng liên tục tăng, đặc biệt ở phân khúc xe lắp ráp trong nước. Báo cáo bán hàng của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) công bố vào trung tuần tháng 4 cho thấy, trong quý 1-2018, toàn thị trường ô tô Việt Nam tiêu thụ 59.558 xe các loại, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước đạt 50.049 xe, tăng 8%, trong khi đó xe nhập khẩu đạt 9.509 xe, giảm 48% so với cùng kỳ năm trước. Đúng như lý giải của đại diện Toyota Việt Nam, xe nhập khẩu giảm mạnh là do vướng Nghị định 116/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-1-2018. Và không chỉ Toyota Việt Nam, mà hầu hết các hãng gần như không nhập khẩu xe về Việt Nam trong 3 tháng đầu năm, ngoại trừ Honda.
Dẫn chứng này để cho thấy, khi những dòng xe nhập khẩu bán chạy vắng bóng trên thị trường, xe lắp ráp được đà lên ngôi. Mức giá xe trên thị trường hiện đang được xe lắp ráp chi phối.
“Người tiêu dùng chúng tôi không có sự lựa chọn khi có nhu cầu mua xe đúng giá, đảm bảo chất lượng. Vì khi thiếu vắng xe nhập khẩu nghĩa là thiếu thị trường cạnh tranh sòng phẳng, nên các hãng trong nước có thể “bắt tay” nhau, công bố giá nào khách hàng cũng phải mua”, ông Trần Văn Bình (ngụ quận 12) than phiền khi không thể tìm mua một chiếc xe nhập khẩu như ý muốn.
Cùng với thị trường lắp ráp ô tô nội địa lên ngôi, hoạt động đầu tư sản xuất với quy mô lớn hơn cũng đang được nhiều doanh nghiệp tham gia. Cụ thể, Ford Việt Nam vừa đánh dấu tròn 20 năm sản xuất đã chính thức xuất xưởng Ford EcoSport, được sản xuất tại nhà máy ở Hải Dương với trang thiết bị tiên tiến trị giá hàng triệu USD.
Hay Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) đã khởi công nhà máy THACO Mazda, sản xuất lắp ráp xe mang thương hiệu Mazda có công suất 100.000 xe/năm với tổng vốn đầu tư là 12.000 tỷ đồng, tương đương 520 triệu USD.
Tương tự, Tập đoàn Hyundai Motor đã chọn Tập đoàn Thành Công là đối tác trong khu vực để chính thức liên doanh lắp ráp các dòng xe du lịch mang thương hiệu Hyundai. Trong giai đoạn đầu, liên doanh Hyundai - Thành Công tiếp tục vận hành nhà máy Hyundai Thành Công Ninh Bình hiện tại với công suất 40.000 xe/năm.
Trước đó, Tập đoàn Vingroup đã khởi công nhà máy sản xuất ô tô, xe máy VinFast có công suất 500.000 xe/năm, với tham vọng sản xuất ô tô thương hiệu Việt cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Trên thực tế, tuyên bố của các tên tuổi lớn như Toyota, Honda về việc thu hẹp sản xuất để chuyển qua nhập khẩu trong bối cảnh ô tô lắp ráp trong nước chịu sức ép cạnh tranh gay gắt với dòng xe nguyên chiếc nhập khẩu, đặc biệt khi thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN về mức 0%, chỉ là những yêu sách. Bởi, dù những tháng qua không có xe nhập khẩu, doanh số bán hàng của 2 hãng này vẫn nằm trong tốp đầu với dòng xe lắp ráp tại Việt Nam. Những dự án đầu tư, mở rộng sản xuất của các hãng xe nói trên đã minh chứng cho điều này.
Vấn đề đặt ra hiện nay, sau chính sách siết nhập khẩu, ưu đãi đầu tư để kích thích sản xuất, việc xây dựng phát triển thương hiệu ô tô “Made in Vietnam” liệu có bị giẫm lên “vết xe đổ” của ngành công nghiệp ô tô đã thất bại trước đây không?
Hiện nay, với quy định của Nghị định 116, phải có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu (VTA) được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài thì ô tô nguyên chiếc chưa qua sử dụng mới được nhập vào Việt Nam, được xem là cách ngăn chặn xe nhập khẩu nguyên chiếc, bởi nhiều nước trên thế giới không cấp loại giấy này.
Với chính sách trên, giới phân tích cho rằng các hãng xe từng có yêu sách ngưng lắp ráp một số mẫu xe chắc chắn phải xem xét lại. Chưa kể, Bộ Công thương cũng đang đưa ra các giải pháp để phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, trong đó đề xuất chính sách miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần giá trị tạo ra trong nước như linh kiện, máy móc...
Trong bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại lễ khánh thành nhà máy Mazda thứ 2 mới đây cũng nêu rõ, Chính phủ Việt Nam ủng hộ sản xuất trong nước để hướng tới hiện thực hóa chiến lược công nghiệp ô tô. Đối xử bình đẳng giữa xe nhập và xe lắp ráp, các biện pháp bảo vệ sản xuất trong nước phải theo đúng những cam kết với cộng đồng quốc tế. Trong đó, 3 mũi nhọn để phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam là Hyundai Thành Công, Trường Hải và VinFast. Theo đánh giá của các chuyên gia, chưa bao giờ ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đứng trước cơ hội lớn như hiện nay, khi có sự kết hợp tổng hòa của cả chính sách và nội lực các hãng.