Trong 2 năm qua, với những nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc mở rộng sản xuất, hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là những cá nhân tâm huyết, việc phát triển cây khóm Tắc Cậu đã có sự chuyển mình tích cực. Diện tích khóm tăng thêm 146ha, nâng tổng diện tích trồng đến nay lên 1.700ha, năng suất bình quân tăng 10-12 tấn/ha/năm. Ngoài sản phẩm trái tươi truyền thống, các sản phẩm từ cây khóm đã được phát triển thêm, như bánh hoa mai nhân khóm, kẹo khóm, nước màu khóm, nước khóm ép, khóm phơi khô, khóm sấy. Đặc biệt là sản lượng khóm sấy ngày càng tăng và thị trường tiêu thụ không ngừng mở rộng cả trong và ngoài nước.
Theo ông Huỳnh Quốc Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Thành, thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cây khóm là đối tượng được quan tâm. Địa phương đã mạnh dạn chuyển từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng khóm, phấn đấu đến năm 2019, diện tích trồng mới sẽ tăng thêm 100ha; song song đó, thường xuyên quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động của HTX trồng khóm Tắc Cậu; vận động người dân tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, không lạm dụng phân đạm hay các chất kích thích sinh trưởng để tăng kích thước trái; đặc biệt, xây dựng thành công mô hình trồng khóm Tắc Cậu theo quy trình VietGAP với quy mô ban đầu là 200ha, làm cơ sở nhân rộng và từng bước tiến lên GlobalGAP.
Bên cạnh đó, hội cũng tuyên truyền cho người trồng khóm hiểu giá trị, thương hiệu khóm Tắc Cậu đã được công nhận nhãn hiệu tập thể từ năm 2010, để cùng nhau giữ gìn; ngoài ra kiến nghị ngành chức năng hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý. Do chất lượng đặc hữu, khóm Tắc Cậu luôn có giá cao hơn 1.500 - 2000 đồng/trái so với các vùng trồng khóm khác. Chính vì vậy, việc tiêu thụ trái khóm Tắc Cậu cần phải được tính toán sao cho có hiệu quả cao, trước hết người bán không vì lợi nhuận mà mang khóm từ nơi khác đến để bán dưới thương hiệu khóm Tắc Cậu, đánh lừa người tiêu dùng.
Khóm Tắc Cậu có đặc điểm trái tròn, cùi nhỏ, ngon ngọt hơn sản phẩm cùng loại khác. Thương hiệu khóm đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu từ năm 2010. Từ khi khóm Tắc Cậu được công nhận là nhãn hiệu tập thể, các ngành chức năng huyện cũng như địa phương đã hình thành tổ hợp tác trồng khóm, chi hội ngành nghề để giúp nông dân tiếp cận được khoa học kỹ thuật, qua đó áp dụng vào sản xuất nên năng suất, sản lượng cây khóm tăng lên. Nhờ vậy, mỗi 1ha trồng khóm giúp người dân thu nhập 30 - 50 triệu đồng/vụ.