Theo đánh giá của Lefaso, sản phẩm da giày có tỷ lệ cắt giảm thuế cao ngay sau khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, đã thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực da giày đến Việt Nam.
Vì vậy, kim ngạch xuất khẩu da giày sang các nước thành viên CPTPP sẽ tiếp tục tăng trong các năm tới. Tuy nhiên, để có thể tận dụng được, thì Lefaso và các doanh nghiệp cần giải quyết các điểm nghẽn là thương hiệu, nguyên liệu và công nghệ.
Thời gian qua, do quá phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu nên giá trị gia tăng của ngành thấp. Ngoài ra, các nhà cung cấp những sản phẩm làm từ da ở Việt Nam đang thiếu kiến thức và sự đầu tư cho công nghệ. Do đó, nếu chú trọng vào công nghệ nhiều hơn, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để gia tăng giá trị hàng xuất khẩu, thay vì chỉ gia công như lâu nay.
Dự báo, sản xuất của ngành da giày năm 2019 sẽ tăng trên 10% so với năm 2018, đạt khoảng 21,5 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu da giày chiếm khoảng 9%, với tỷ lệ nội địa hóa đạt 60%. Xuất khẩu giày dép đứng thứ 4 trong tốp 10 mặt hàng chủ lực của Việt Nam.