Thương hiệu gạo bắt đầu từ đâu?

Có lẽ nên khép lại các tranh luận về cách thức công bố, thông tin về giải thưởng gạo ngon năm nay thuộc về ai, mà các bên liên quan cần bắt tay nhau xây dựng các thương hiệu gạo Việt trong một chiến lược mới.

Việc tôn vinh bằng các giải thưởng gạo ngon rất cần truyền thông, quảng bá, nhưng quan trọng hơn là làm gì để Việt Nam có thêm nhiều thương hiệu gạo Việt, xứng đáng với một cường quốc xuất khẩu gạo? Các quốc gia phát triển luôn tìm cách để có nhiều hơn những thương hiệu nổi tiếng cùng ngành hàng.

Điển hình là ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản, Đức, không chỉ có một mà còn có nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới. Nhìn rộng ra các ngành hàng khác, bao gồm các lĩnh vực công nghiệp năng lượng, điện tử, hàng tiêu dùng, may mặc, thời trang, du lịch…, để có được một thương hiệu mang tầm vóc quốc gia và quốc tế, không thể bỏ qua vai trò của bất kỳ thương hiệu của một hãng, tập đoàn, doanh nghiệp cụ thể.

Năm 2021, Bộ NN-PTNT đã công bố nhãn hiệu gạo quốc gia “Vietnam Rice” được bảo hộ tại Việt Nam và 22 quốc gia. Tuy nhiên, theo quy định của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và luật của một số nước thành viên hệ thống Madrid (hệ thống đăng ký nhãn hiệu quốc tế của Madrid), sau 3-5 năm kể từ ngày công nhận nhãn hiệu và cấp mã số bảo hộ mà chủ sở hữu nhãn hiệu không sử dụng sẽ bị tước quyền bảo hộ. Vì vậy, một nhãn hiệu gạo quốc gia muốn có được sức sống và sự phát triển phải thông qua hoạt động của doanh nghiệp.

Phát triển thương hiệu gạo Việt không chỉ là việc đăng ký nhãn hiệu, hay kết quả thắng giải gạo ngon của một vài cuộc thi quốc tế, mà quan trọng hơn là một quá trình liên tục duy trì và phát triển những giá trị vật chất, phi vật chất gắn liền với hạt gạo và chuỗi giá trị lúa gạo. Việc xây dựng và phát triển các thương hiệu gạo cần được bắt đầu từ doanh nghiệp, sự hợp tác của doanh nghiệp và nông dân cùng với nghiên cứu của các nhà khoa học sẽ tạo ra vùng sản xuất rộng lớn. Doanh nghiệp là “mắt xích” cuối cùng trong chuỗi đầu ra của hạt gạo, hơn ai hết, họ “biết mình, biết ta” trong cuộc cạnh tranh trên trường quốc tế.

Quá trình đó cũng rất cần sự vào cuộc và phối hợp của nhiều bộ ngành, địa phương liên quan với các giải pháp phải đồng bộ, từ khâu sản xuất, chế biến đến xuất khẩu để xây dựng và phát triển hình ảnh, tăng cường sự nhận biết về mặt hàng gạo Việt trên thị trường thế giới, góp phần tăng giá trị và mở rộng thị trường xuất khẩu gạo, thúc đẩy tái cơ cấu ngành lúa, gạo theo hướng hiệu quả, bền vững. Cùng với doanh nghiệp, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong liên kết các tác nhân trong chuỗi giá trị lúa gạo là rất quan trọng, quyết định trong việc điều hòa lợi ích. Nâng cao sức cạnh tranh, định chuẩn giống lúa, đảm bảo chất lượng gạo và xác định đúng phân khúc thị trường đầu ra cho hạt gạo để các yêu cầu này tác động trở lại từ đầu vào đến đầu ra trong toàn bộ chuỗi giá trị gạo Việt.

Để thực thi chiến lược, chúng ta cần một không gian phát triển lúa gạo lớn hơn, cần hạt gạo tích hợp đa giá trị hơn; trong đó có giá trị thương hiệu, tài sản trí tuệ, được trợ lực bằng khoa học công nghệ, công cụ tài chính, cơ chế pháp lý và truyền thông, quảng bá, liên kết một cách thực chất, hiệu quả.

Việc xây dựng vùng nguyên liệu lúa 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cần gắn với việc xây dựng thương hiệu gạo, phát triển các sản phẩm sau gạo. Sản xuất các giống lúa có năng suất, chất lượng, giá trị cao không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà nó cần được gắn với hệ thống ngành hàng lúa gạo từ khâu giống đến quy hoạch, tổ chức sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ, phát triển công nghệ sau gạo.

Mở ra một không gian phát triển mới cho các sản phẩm lúa gạo và sản phẩm giá trị gia tăng mới sau gạo là con đường hiện thực hóa giấc mơ trở thành quốc gia có nhiều thương hiệu gạo ngon vang danh thế giới.

Tin cùng chuyên mục