Thương hiệu dẫn dắt bền vững lấy người tiêu dùng làm trọng tâm

Ngày 22-11, diễn đàn “Thương hiệu Dẫn dắt bền vững” do Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM và Vietnam Brand Purpose phối hợp tổ chức thu hút nhiều chuyên gia, diễn giả trong và ngoài nước cùng hơn 300 lãnh đạo doanh nghiệp tham dự.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA cho biết, phát triển bền vững là nhu cầu cấp bách đồng thời cũng là xu hướng tất yếu của tất cả các quốc gia trên thế giới. Đó là quá trình vận hành đồng thời ba khía cạnh phát triển “kinh tế, xã hội, môi trường”. Trong đó, kinh tế tăng trưởng bền vững, xã hội thịnh vượng, công bằng, ổn định, văn hoá đa dạng và môi trường được trong lành, tài nguyên được duy trì bền vững.

Ông Nguyễn Ngọc Hoà, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM phát biểu khai mạc sự kiện.JPG
Ông Nguyễn Ngọc Hòa phát biểu tại diễn đàn

Thực tế cho thấy, tại Việt Nam, cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc. Tiếp tục lấy đó là kim chỉ nam cho việc phát triển, phục hồi xanh và bền vững trong thời gian tới cũng như mục tiêu hướng đến phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, từ đó thúc đẩy sự phát triển của đất nước theo hướng toàn diện, bền vững.

Bà Trần Tuệ Tri, đồng sáng lập và cố vấn cấp cao Vietnam Brand Purpose chia sẻ thêm, phát triển bền vững sẽ là một câu chuyện có tính thời đại, lan tỏa, ý nghĩa cho thương hiệu quốc gia Việt Nam, tạo bệ phóng giúp các doanh nghiệp vững vàng ở cả thị trường nội địa và thị trường quốc tế. Phát triển bền vững là điểm khác biệt giúp xây dựng thương hiệu Việt Nam, ghi danh trên bản đồ thương hiệu toàn cầu. Bởi đây không chỉ là vấn đề chung của thế giới, điều bắt buộc để cạnh tranh mà còn là điều người dân mong muốn, nhà đầu tư và du khách hướng tới.

Tại diễn đàn, nhiều ý kiến các chuyên gia cho rằng, bên cạnh những chính sách của nhà nước, chiến lược quản trị doanh nghiệp về bền vững, thương hiệu dẫn dắt bền vững đóng một vai trò quan trọng. Bởi, thương hiệu đã và luôn có sức mạnh mềm, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của công chúng, định hình hành vi tiêu dùng, thúc đẩy ý thức trách nhiệm cộng đồng, hướng tới những thay đổi quan trọng trên thế giới. Với những đầu tư lớn vào các đổi mới sáng tạo về sản phẩm dịch vụ, đi kèm với các chiến dịch quảng bá rộng khắp, các thương hiệu đã thay đổi hành vi tiêu dùng và tạo ra những xu hướng sống mới.

Do vậy, để thực hiện được các cam kết quốc tế cũng như triển khai hiệu quả các chủ trương lớn về phát triển bền vững, chỉ có nỗ lực hay quyết tâm chính trị vẫn chưa đủ, mà cần sự thấu hiểu, ủng hộ và chung tay rộng rãi của người dân, sự sáng tạo và tham gia mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp và địa phương, tính đồng bộ và hiệu quả của chính sách, đồng thời còn cần huy động một nguồn lực to lớn từ xã hội và các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước.

Tin cùng chuyên mục