Thật ra, những cuộc chiến thương hiệu Việt trên đường xuất ngoại, bị tổ chức, cá nhân nước ngoài đăng ký chiếm giữ quyền bảo hộ độc quyền đã xảy ra nhiều năm qua. Đó là câu chuyện của bà Phạm Thị Tỏ bôn ba nước ngoài giành lại nhãn hiệu “kẹo dừa Bến Tre”. Cuộc kiện tụng của chủ nhân thương hiệu Đức Thành - Vinamit, hay các vụ liên quan thương hiệu, nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc, cà phê Trung Nguyên, thuốc lá Vinataba… là những bài học cho doanh nghiệp Việt. Có doanh nghiệp đã khuyến cáo nên chủ động “đăng ký nhãn hiệu bao vây”, tức đăng ký ngay cả những thị trường tiềm năng, vì chi phí rẻ hơn việc kiện tụng giành lại tài sản. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động liên kết với các tổ chức chuyên bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu độc quyền để tránh cảnh “mất bò mới lo làm chuồng”.
Thương hiệu (tradebrand) hay nhãn hiệu (trademark) được hiểu là một biểu tượng, thông điệp về giá trị cốt lõi, một sản phẩm, dịch vụ. Thương hiệu mang nhiều yếu tố tổng hợp từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến truyền thống, lịch sử và hiện tại; được chuyển tải đến người tiêu dùng bằng thông tin, truyền thông, thương mại, được khách hàng ưa chuộng bằng niềm tin giá trị. Ngày nay, cùng với giá trị văn hóa cốt lõi, yếu tố công nghệ, đặc biệt là yếu tố pháp lý càng được chú ý hơn, nên nhiều thương hiệu nổi tiếng luôn được quan tâm đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu.
Đối với thị trường Mỹ cần thấy rằng, pháp luật nước này là hệ thống phức tạp và sòng phẳng với “luật chơi của thị trường”. Trong khi Mỹ là thị trường đang chiếm số lượng lớn gạo ST25 xuất khẩu từ đầu năm 2021 đến nay. Song, đa phần xuất khẩu gạo ST25 phải thông qua các doanh nghiệp khác. Đó cũng là tình trạng chung của nhiều thương hiệu Việt.
Hiện nay, các nhà kinh doanh Mỹ hay các doanh nghiệp ngoại khác, đang nắm giữ lợi ích lớn hơn nhiều những “ông chủ nhỏ” ở quê hương các mặt hàng nông sản Việt, nhờ lợi thế hệ thống phân phối, dịch vụ thương mại... Điều đó góp phần lý giải tại sao người Mỹ, thay vì cấm cửa các mặt hàng nông sản để bảo hộ hàng nội thì lại “vui vẻ” mở cửa đón nhận, nhưng kèm theo các “yêu sách” kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm để tiếp tục hưởng lợi từ “phân khúc thị trường” mà họ đang nắm giữ. Việc đăng ký bảo vệ nhãn hiệu ST25 của những doanh nghiệp nhỏ và vừa, như kỹ sư Hồ Quang Cua, được đặt trong bối cảnh này để thấy sự yếu thế của doanh nghiệp Việt cần được hỗ trợ.
Các doanh nghiệp Việt, nhất là các thương hiệu nông sản nổi tiếng quốc gia, rất cần được trợ lực từ các cơ quan quản lý, hiệp hội và cộng đồng, bằng các công cụ pháp lý đúng luật chơi thị trường mà Việt Nam đã cam kết trong WTO, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Nhà nước không thể làm thay, hay hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, nhưng cũng không thể để doanh nghiệp tự bơi.
Bản thân các thương hiệu, nhãn hiệu tự thân nó không thể giải bài toán kinh tế của ngành, mà rất cần trợ lực bằng tư duy hoạch định chính sách nông nghiệp, sự phối hợp đa ngành, sự hỗ trợ đắc lực khi doanh nghiệp đang bị chông chênh trong các cuộc chiến pháp lý ở thị trường ngoại. Cần có trợ lực mạnh mẽ hơn để doanh nghiệp ý thức và tăng sức mạnh trong việc bảo vệ tài sản thương hiệu - nhãn hiệu của mình mới mong gạo Việt chiếm lĩnh lại thị trường đang bị nhiễu loạn về nguồn gốc và định danh sản phẩm.
Theo đó, cần hỗ trợ thông tin, trợ giúp pháp lý khi doanh nghiệp rơi vào trường hợp tranh tụng. Điều quan trọng hơn là nâng cao năng lực tự bảo vệ mình của chủ thương hiệu. Về lâu dài, cần hình thành các tổ hợp đủ mạnh để hỗ trợ và ứng phó các “cuộc chiến” thương hiệu - nhãn hiệu tương tự. Hỗ trợ xây dựng các thương hiệu quốc gia, vùng miền, địa phương và doanh nghiệp đủ mạnh. Ưu tiên các nhóm giải pháp về chính sách - pháp lý, quy hoạch - đầu tư, KH-CN; thị trường, tăng cường liên kết và nguồn nhân lực...
Cuộc chiến thương hiệu trong bối cảnh hội nhập rộng mở và cạnh tranh quyết liệt vẫn đang là thách thức cho doanh nghiệp nội, hàng nội, chứ không riêng gì gạo ST25.