Vào lúc dịch bệnh đang hoành hành, việc hàng ngàn người di cư đang chực chờ ở biên giới phía Nam của Liên minh châu Âu (EU) càng khiến lãnh đạo khối này thêm “đau đầu”.
Khủng hoảng di cư
Theo giới quan sát, tình trạng khẩn cấp liên quan vấn đề người di cư hiện tạo rất nhiều sức ép cho EU trong bối cảnh khối này đang phải căng mình chống dịch Covid-19. Để tập trung các nguồn lực, dồn sức chống dịch, EU muốn giải quyết vấn đề người di cư trước tiên. Vì vậy, thượng đỉnh 3 bên - theo kế hoạch ban đầu được tổ chức tại TP Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ - được bà Merkel và ông Macron quyết tâm đi đến một thỏa thuận với ông Erdogan.
“EU hiện đang chịu áp lực nặng nề do dịch Covid-19 bùng phát và khó có thể chống đỡ thêm một sức ép khác. Do đó, họ sẽ cố gắng tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng di cư và sẽ có biện pháp để đạt được mục tiêu của mình”, ông Enes Bayraklı, Giám đốc phụ trách nghiên cứu châu Âu của Quỹ nghiên cứu chính trị, kinh tế và xã hội (SETA), nhận định.
Các vấn đề được bàn thảo trong hội nghị thượng đỉnh trực tuyến gồm: cuộc khủng hoảng di cư hiện nay; căng thẳng tại tỉnh Idlib và quan hệ EU - Thổ Nhĩ Kỳ. Trong đó, nội dung được thảo luận sâu nhất là việc cập nhật thỏa thuận hồi năm 2016 giữa EU - Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo thỏa thuận này, EU cam kết cung cấp 6 tỷ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ để nước này thực hiện các dự án về người tị nạn từ Syria, qua đó giúp ngăn chặn dòng người tị nạn đến châu Âu. Thỏa thuận trên giúp số lượng người tị nạn bất thường vào châu Âu giảm đến 99%, cũng như cứu được nhiều người di cư phải lênh đênh trên biển khi tìm đường đến lục địa già.
Hội nghị lần này cũng bàn về các nội dung khác như hiện đại hóa liên minh Hải quan EU - Thổ Nhĩ Kỳ, cam kết miễn thị thực cho người Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực Schengen và hồi sinh các cuộc đàm phán để Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU.
“Nguồn cơn” Syria
Ankara rất nhiều lần phàn nàn rằng châu Âu không giữ lời hứa theo thỏa thuận tị nạn EU - Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016 nhằm ngăn chặn làn sóng di cư mạnh mẽ hơn. Trong khi đó, nhiều quan điểm tại Brussels cho rằng vấn đề khủng hoảng di cư và quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - EU phải được tách rời.
Theo ông Bayraklı, vì Brussels không thực hiện lời hứa trước đó nên bây giờ Ankara sẽ chờ đợi những bước đi cụ thể của EU. Trước đó, Tổng thống Erdogan đã cảnh báo: “Nếu EU không thực hiện những lời hứa của mình, chúng tôi sẽ đáp trả tương xứng”.
Theo ông Erdogan, EU không miễn thị thực cho Thổ Nhĩ Kỳ nhưng lại làm điều này với các nước Mỹ Latinh, khu vực Balkan và Ukraine. Thổ Nhĩ Kỳ - điểm đến của khoảng 3,7 triệu người di cư Syria, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới - cũng cho biết họ muốn được chia sẻ gánh nặng bởi không thể “đón” một làn sóng tị nạn khác.
Chuyên gia Bayraklı cho rằng những biện pháp của EU trong vấn đề người tị nạn sẽ chỉ là “đóng băng” vấn đề chứ không giải quyết được tận gốc. Theo ông Bayraklı, cái gốc của cuộc khủng hoảng tị nạn là cuộc xung đột Syria. Chừng nào EU không hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột Syria, giao tranh tiếp tục xảy ra thì các làn sóng tị nạn khác vẫn sẽ xuất hiện.
Khoảng 10.000 người di cư hiện đang phải chống chọi với giá rét trong các khu lều tạm bợ ở khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, trông ngóng từng ngày để được EU cho phép nhập cảnh Hy Lạp bất chấp sự trấn áp mạnh mẽ của lực lượng an ninh nước này. Athens đã chấm dứt nhận đơn xin tị nạn trong 1 tháng, bắt đầu từ hôm 1-3 và sẽ giam giữ những người di cư mới ở các trung tâm trước khi trục xuất họ về nước. |