Tài trợ vaccine cho nước nghèo
Đầu tuần này, hơn 100 cựu thủ tướng, tổng thống và ngoại trưởng đã thúc giục lãnh đạo các nước G7 chi trả 2/3 trong số 65,6 tỷ USD cần thiết để tiêm vaccine Covid-19 cho các nước thu nhập thấp. Giới văn nghệ sĩ và nhân vật nổi tiếng khác trên thế giới cũng đã ký một lá thư gửi đến các nước G7, yêu cầu họ tài trợ 20% chi phí vaccine. Tại hội nghị thượng đỉnh G7, Thủ tướng nước chủ nhà Boris Johnson có kế hoạch thúc giục việc đặt mục tiêu tiêm chủng vaccine cho toàn thế giới vào cuối năm 2022. Chính phủ Anh đã tài trợ 548 triệu bảng Anh cho Cơ chế tiếp cận vaccine Covid-19 toàn cầu (COVAX) và 500 triệu liều vaccine AstraZeneca ra nước ngoài. Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) khẳng định cần phải có nguồn cung cấp ổn định vaccine Covid-19 trong suốt năm vì các nước nghèo không có nguồn lực để sử dụng cùng lúc.
COVAX đang thiếu hụt khoảng 200 triệu liều vaccine. Vương quốc Anh và những nước khác đã hứa quyên góp những liều vaccine còn dư nhưng nhiều nước đang yêu cầu Anh nói riêng và G7 nói chung cung cấp nhiều hơn. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc các nước G7 cam kết đóng góp 150 triệu liều vaccine cho COVAX là “sự khởi đầu tốt”, song số vaccine này chưa thể được giao ngay từ tháng 6 đến tháng 8-2021.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 10-6 đã công bố kế hoạch tặng 500 triệu liều vaccine Covid-19 của hãng dược phẩm Pfizer cho khoảng 100 quốc gia trong 2 năm tới. Khoản hỗ trợ của Mỹ sẽ được chuyển tới COVAX với sự hỗ trợ của WHO và Liên minh Vaccine toàn cầu GAVI.
Xử lý những mối quan hệ then chốt
Quan hệ giữa G7 với Nga và Trung Quốc chính là vấn đề tốn khá nhiều thời gian của các nhà lãnh đạo. Theo Reuters, trước khi đến Anh, Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo Nga phải đối mặt với những hậu quả “mạnh mẽ và có ý nghĩa” nếu tham gia vào cái mà ông gọi là “những hoạt động có hại”. Vào cuối chuyến thăm châu Âu, ông Biden sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Geneva. Nhà Trắng cho biết nội dung cuộc gặp là toàn bộ vấn đề cấp bách bao gồm kiểm soát vũ khí, biến đổi khí hậu, tình hình Ukraine, tấn công mạng… Mối quan hệ giữa Washington nói riêng cũng như G7 nói chung với Nga đang ở mức thấp trong nhiều vấn đề.
Tổng thống Joe Biden cũng sẽ tìm cách gắn kết các đồng minh châu Âu để đối phó với Trung Quốc, là nhận định của ông Feng Zhongping, Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Âu thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc. Dĩ nhiên, G7 sẽ tìm đối sách với các sáng kiến của Trung Quốc như Vành đai và Con đường, chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc và những câu hỏi về an ninh của công nghệ 5G. Tuy nhiên, ông Feng Zhongping vẫn hoài nghi việc các nước G7 thật sự tìm được tiếng nói chung. Trong khi đó, ông Andrew Small, thành viên cấp cao về xuyên Đại Tây Dương tại Quỹ Marshall của Mỹ, cho rằng các lãnh đạo G7 đều có chung suy nghĩ về việc đối đầu với Trung Quốc một mình sẽ phản tác dụng, rằng thượng đỉnh lần này sẽ hướng tới việc đúc kết “chương trình nghị sự tích cực thay thế”.
Hội nghị G7 năm nay được tổ chức theo chủ trương không khí thải CO2, với các sản phẩm phục vụ ăn uống có nguồn gốc xanh và sạch, sử dụng vật liệu tái chế và nguồn năng lượng tái tạo. Biến đổi khí hậu được coi là một trong những trọng tâm của hội nghị. Đầu năm 2021, Thủ tướng Anh Boris Johnson đồng ý ban hành mục tiêu mới nhằm giảm 78% lượng khí thải quốc gia vào năm 2035, gồm cả lượng khí thải từ hàng không và hàng hải. Dư luận tin rằng Anh sẽ thúc ép các quốc gia khác đặt ra những mục tiêu khí hậu cao hơn như một phần của quá trình xây dựng nghị trình cho Hội nghị về biến đổi khí hậu của LHQ (COP26), diễn ra tại Glasgow vào tháng 11 năm nay. |