“Thương chiến” nhìn từ bài học đầu tư thất bại xăng E5

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam lần đầu tiên vượt trên 405 tỷ USD, góp phần đưa nước ta vươn lên vị trí 17/20 nền kinh tế có quy mô lớn nhất thế giới.

Vậy trong bối cảnh các nền kinh tế lớn trên thế giới đang áp đặt những “luật chơi” mới có tính cạnh tranh cao, thậm chí là “thương chiến”, làm thế nào để nền kinh tế Việt Nam hạn chế thấp nhất ảnh hưởng, thiệt hại và vẫn gia tăng kim ngạch xuất khẩu, tiếp tục tăng trưởng hướng đến hai con số trong những năm tới? Nhìn lại bài học còn nguyên giá trị từ việc đầu tư xăng sinh học E5, chúng ta có thể có những giải pháp hiệu quả cho nền kinh tế.

Từ ngày 9-7-2024, Báo SGGP đã khởi đăng loạt bài “Xăng sinh học E5: Xăng xanh thành… đống nợ”. Ngay sau đó, một lãnh đạo của ngành dầu khí đã chia sẻ về nguyên nhân sâu xa của sự thất bại khi đầu tư vào xăng E5. Đó là khoảng 15 năm trước, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và tạo đầu ra ổn định cho nông sản, ba nhà máy đầu tư sản xuất cồn ethanol có phần vốn nhà nước với tổng đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng ra đời là Dung Quất, Phú Thọ và Bình Phước. Kết cục, trong khi nhà máy ethanol ở Phú Thọ dang dở và trở thành vụ án, thì hai nhà máy còn lại đã hoàn thành nhưng cũng hoạt động lay lắt!

Thời điểm đầu tư sản xuất xăng sinh học E5, giá xăng dầu giảm mạnh khiến việc kinh doanh xăng E5 gặp muôn vàn khó khăn. Sắn là nguyên liệu sản xuất ra cồn ethanol để pha vào xăng, mà cồn pha vào xăng thì có giá thành đắt nên không bán được. Nhằm gỡ khó, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã tập trung tổng lực đẩy mạnh tiêu thụ xăng E5 trên toàn hệ thống.

Việc kinh doanh xăng E5 bắt đầu thấy “cửa sáng” thì xảy ra việc áp đặt thuế khắt khe và những hàng rào kỹ thuật trong xuất khẩu hàng hóa giữa Mỹ và Trung Quốc. Giới kinh doanh thế giới lúc đó ví von là “thương chiến” Mỹ - Trung Quốc. Trong khi Mỹ sản xuất ra nhiều cồn nhất thế giới với nguyên liệu là những cánh đồng ngô biến đổi gene rộng bát ngát có năng suất cao, thị trường Trung Quốc lại tiêu thụ cồn sinh học rất lớn nhưng sản xuất không đủ nên phải nhập từ Mỹ.

“Thương chiến” xảy ra, Trung Quốc nâng thuế nhập khẩu cồn nhằm trả đũa các chính sách thuế của Mỹ nên các nhà sản xuất của Mỹ không bán được hàng vào Trung Quốc. Lúc đó, các nhà sản xuất cồn của Mỹ quay sang bán cho các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, giá bán cực kỳ thấp. Chưa hết. Trung Quốc không nhập cồn từ Mỹ thì lại tăng năng lực sản xuất.

Vì thiếu nhiên liệu nên họ đi mua sắn, trong đó có sắn của Việt Nam, đẩy giá sắn tăng mạnh, còn giá cồn thì tụt xuống. Vì vậy, các đối tác nước ngoài tham gia sản xuất cồn tại Việt Nam bỏ chạy hết, không có cách gì để cung ứng nguyên liệu cho dự án sản xuất xăng E5 hiệu quả. Cho đến nay, những dự án sản xuất ethanol được chủ đầu tư lấy lợi nhuận từ nguồn khác bù vào, còn trên thực tế vẫn là những đống sắt khổng lồ bất động!

Đối với Việt Nam, có lẽ việc đầu tư xăng sinh học E5 là một trong những bài học đắt giá nhất, nạn nhân cụ thể của “thương chiến”. Tất nhiên, vì nền kinh tế có độ mở lớn, rủi ro cao nên cơ hội cũng rất lớn. Nhằm để thích nghi với “thương chiến”, chúng ta cần có tầm nhìn bao quát, phân tích những lợi thế và bất lợi để có chiến lược ứng phó phù hợp, cũng là cơ hội để tái cấu trúc lại nền kinh tế đi vào chiều sâu, bền vững.

Là quốc gia có lợi thế về nông nghiệp, nước ta cần chuyển đổi mạnh để sản phẩm thâm nhập đa dạng thị trường. Chẳng hạn, thị trường Halal (các sản phẩm, hàng hóa theo quy chuẩn của người Hồi giáo) có quy mô đặc biệt lớn, ước tính lên tới hàng ngàn tỷ USD. Muốn thâm nhập sâu thị trường này, đòi hỏi phải có nền sản xuất xanh, sạch, tức là thay đổi triệt để tập quán canh tác lâu nay. Nếu đáp ứng được thị trường Halal thì dễ dàng xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường khó tính khác. Một nền tảng khác chính là chuyển đổi công nghiệp đi vào chiều sâu, đặc biệt là công nghệ cao. Bên cạnh mời gọi, hợp tác thu hút các tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam, rất cần có giải pháp bắt buộc chuyển giao công nghệ theo lộ trình, hướng đến làm chủ công nghệ...

Trong khi hướng đến các giải pháp dài hơi thì trước mắt cần thực hiện ngay là mạnh tay giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Chi phí vốn thấp là cơ hội tốt nhất để nền kinh tế phát triển mạnh, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa về lâu dài cũng như thích ứng trong cuộc “thương chiến”.

Tin cùng chuyên mục